04:09, 22/09/2015

Hệ thống đô thị phát triển đồng bộ

Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống nhân dân đô thị và vùng ven.

Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống nhân dân đô thị và vùng ven.


Đầu tư cho đô thị


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, tính từ thời điểm Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 được phê duyệt đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị hơn 58.420 tỷ đồng, bằng 123,58% kế hoạch. Trong đó, vốn thực hiện công tác quy hoạch xây dựng hơn 234 tỷ đồng; vốn thực hiện hạ tầng kỹ thuật 26.573 tỷ đồng; vốn thực hiện khu đô thị (KĐT) mới, tái định cư và nhà ở 15.087 tỷ đồng; vốn thực hiện hạ tầng xã hội và các công trình khác 16.525 tỷ đồng.

 

Khánh Hòa đang phấn đấu thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2016 -2020. Ảnh: Phong Nha Trang
Khánh Hòa đang phấn đấu thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2016 -2020. Ảnh: Phong Nha Trang


Chương trình phát triển đô thị đã xác định công trình ưu tiên đầu tư, kêu gọi xây dựng để tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Gần 5 năm qua, chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho các khu vực đô thị, đảm bảo điều kiện cần thiết cho người dân trong đô thị và vùng lân cận. Đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách, các đô thị trong tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Đô thị Nha Trang với nhiều công trình du lịch, dịch vụ, tổ hợp khách sạn cao cấp được đầu tư đã góp phần tạo diện mạo mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Khu vực phía đông đường Trần Phú đã hình thành dải công viên ven biển với hệ thống cây xanh và hệ thống chiếu sáng rộng khắp, kết hợp các công trình dịch vụ với kiến trúc thân thiện môi trường.


Ông Chu Tất Bộ (83 tuổi, đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) nhìn nhận: “5 năm qua, TP. Nha Trang thay đổi rõ rệt, đặc biệt là đường Trần Phú và khu vực trung tâm với hàng loạt khách sạn cao cấp, nhà hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách”. Bên cạnh đó, các khu vực đô thị khác như: TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa..., việc bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, phù hợp với cấp độ đô thị.


Theo ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, các dự án về hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ và có hiệu quả theo quy hoạch được phê duyệt. Các KĐT mới như: KĐT Vĩnh Điềm Trung với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, KĐT VCN Phước Hải với khối lượng đã đầu tư khoảng 210 tỷ đồng, KĐT mới Phước Long với vốn đầu tư khoảng 463 tỷ đồng, KĐT Hà Quang II, Khu nhà ở Seapark... đều có hệ thống hạ tầng kỹ thuật khớp nối, đồng bộ với các KĐT hiện hữu. Bên cạnh đó, một số dự án hạ tầng kỹ thuật đã được triển khai như: dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang với tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng; dự án kè và đường bờ sông Cái Nha Trang với tổng vốn đầu tư khoảng 2.050 tỷ đồng; dự án thi công và thiết bị cho hệ thống cấp nước tại thị xã Ninh Hòa với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng; Nhà máy nước Vạn Ninh đầu tư 22 tỷ đồng... Đến nay, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã có bệnh viện đa khoa quy mô từ 150 giường bệnh trở lên; hệ thống giáo dục được đầu tư cơ bản, các huyện đều có trường trung cấp dạy nghề; các đô thị lớn đều có trung tâm thương mại... Ngoài ra, một số dự án trọng điểm làm động lực phát triển đã và đang được tỉnh triển khai như: dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, đường Phong Châu, dự án thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến sông Tắc, đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh, cơ sở hạ tầng các khu tái định cư tại Ninh Hòa...


Chuẩn bị điều kiện để cùng phát triển

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 48,77% năm 2010 lên 55% vào năm 2015. Mục tiêu ban đầu của Chương trình là tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 60% vào năm 2015. Tuy nhiên, vào giữa nhiệm kỳ, huyện Vạn Ninh và Diên Khánh đề nghị điều chỉnh thời gian thành lập thị xã đến năm 2017 - 2018. Vì vậy, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh tỷ lệ đô thị hóa đạt 55% vào năm 2015.

Ông Dẽ nhìn nhận, tuy còn gặp một số khó khăn nhưng xét về tổng thể, Khánh Hòa đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của một số đô thị, lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực thuộc địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh nhằm thúc đẩy đầu tư, quản lý xây dựng và phủ kín quy hoạch.


Các công trình trọng điểm nói trên khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo động lực, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Đặc biệt, TP. Nha Trang sẽ từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng mở rộng về phía tây và phía nam theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Để hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị bền vững, tạo sự cân bằng mối quan hệ giữa phát triển đô thị và phát triển xã hội, UBND tỉnh luôn đặt công tác quy hoạch lên hàng đầu để các quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, mang tính dự báo cao và tạo động lực thu hút đầu tư.


Theo đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đưa tỉnh trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; kêu gọi vốn đầu tư vào Cảng Nha Trang, Cảng Ba Ngòi và các giai đoạn của Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Sở Xây dựng cần phối hợp với một số sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại chất lượng đô thị hiện nay để đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể trong giai đoạn mới; khi xây dựng kế hoạch đầu tư cần xác định công trình nào mang tính động lực phát triển cho địa phương phải ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên một số lĩnh vực, cố gắng tiếp cận được một số nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư phát triển.


VĂN KỲ