04:12, 16/12/2013

Giúp quản lý bền vững tài nguyên môi trường vịnh Nha Trang

 Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với  Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trung Việt - Trưởng phòng Đào tạo Đại học và sau đại học, Trường Đại học Thủy lợi, Chủ nhiệm đề tài nghị định thư cấp Nhà nước, hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển (IRD), cộng hòa Pháp: "Nghiên cứu chế độ thủy động lực học và vận chuyển bùn cát vùng cửa sông và bờ biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa"...

Sau gần 9 tháng thực hiện đề tài nghị định thư cấp Nhà nước, hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển (IRD), cộng hòa Pháp “Nghiên cứu chế độ thủy động lực học và vận chuyển bùn cát vùng cửa sông và bờ biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”, Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với  Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trung Việt - Trưởng phòng Đào tạo Đại học và sau đại học, Trường Đại học Thủy lợi, Chủ nhiệm đề tài xung quanh vấn đề này:

 

PGS-TS Nguyễn Trung Việt tại thực địa nghiên cứu.
PGS-TS Nguyễn Trung Việt tại thực địa nghiên cứu.

 

 

- Ông có thể cho biết sơ bộ về quá trình nghiên cứu chế độ thủy động lực học và vận chuyển bùn cát vịnh Nha Trang, Khánh Hòa? Trong đó tập trung nghiên cứu ở những lĩnh vực gì?

 

 

- Đề tài chính thức triển khai từ tháng 4-2013 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014. Ngay từ đầu tháng 4-2013, chúng tôi đã lắp đặt 2 camera trên cột điện phía trước Bưu điện tỉnh, trên đường Trần Phú để giám sát diễn biến đường bờ biển. 2 camera này được nối với đường truyền Internet băng thông rộng và truyền dữ liệu trực tuyến về hệ thống máy chủ đặt tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội và Phòng Nghiên cứu LEGOS thuộc Đại học Toulouse, Pháp.

 

Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học Pháp đã tổ chức thành công việc đo đạc, khảo sát về địa hình, các đặc trưng thủy văn và hải văn vào 2 đợt: mùa Hè, tháng 5-2013 và mùa Đông, tháng 12-2013 để có được bộ số liệu một cách đồng bộ và hệ thống về các tham số sóng, dòng chảy, hàm lượng bùn cát… phục vụ cho công tác mô phỏng thông qua mô hình toán.

 

Như vậy, đề tài tập trung nghiên cứu các đặc trưng thuỷ động lực và vận chuyển trầm tích có vai trò quyết định cho sự hình thành và biến động bờ biển, đặc biệt là bãi tắm, nơi mà người dân và du khách luôn mong có được điều kiện tiện ích và an toàn nhất. Sự biến động của đường bờ và bãi biển trong các điều kiện thời tiết như bão, gió mạnh, cũng như các biến đổi mùa - nhiều năm là đối tượng nghiên cứu ưu tiên trong khuôn khổ đề tài nghị định thư nêu trên.

 

 

- Hoạt động nghiên cứu chế độ thủy động lực và vận chuyển bùn cát vịnh Nha Trang sẽ mang lại ý nghĩa gì đối với môi trường, bảo vệ, duy trì và cải thiện cảnh quan của vịnh Nha Trang?

 

 

- Những nghiên cứu sẽ bước đầu thiết lập được hệ thống giám sát hình ảnh trực tuyến (real-time) và tiến tới dự báo biến động môi trường nước và bờ biển vịnh Nha Trang, góp phần đề xuất các định hướng phát triển và quản lý bền vững tài nguyên môi trường Vịnh có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

 

Được biết, quá trình nghiên cứu còn có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Pháp, ông có thể cho biết thêm về sự hỗ trợ đến từ các nhà khoa học nước bạn như thế nào trong quá trình nghiên cứu?

 

 

- Rất may mắn là đề tài nghiên cứu khoa học này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự tham gia cả về nhân lực và kinh phí của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Đại học Toulouse, Đại học Bordeaux và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (IRD), Cộng hòa Pháp.

 

Sự tham gia của các nhà khoa học đã cho phép ứng dụng kỹ thuật tiên tiến giám sát vùng cửa sông và bờ biển bằng camera cố định và di động - là một bộ phận quan trọng của hệ thống giám sát, dự báo môi trường. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Pháp hỗ trợ nhiều thiết bị đo rất hiện đại, mang từ Pháp sang lắp đặt, cùng tham gia triển khai các thiết bị khảo sát và mô hình toán hiện đại đồng bộ về thủy động lực và vận chuyển trầm tích cho phép thúc đẩy các nghiên cứu lý thuyết định hướng ứng dụng trong lĩnh vực này.

 

Một điểm nữa cần phải nói đến là các nhà nghiên cứu Pháp rất mạnh và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực nêu trên. Bên cạnh đó, việc tập huấn rất chi tiết và chuyển giao toàn bộ công nghệ giải đoán diễn biến đường bờ vùng cửa sông và bờ biển bằng công nghệ giám sát hình ảnh thực sự là ưu điểm nổi trội trong đề tài nghiên cứu này.

 

 

Bãi biển Nha Trang.
Bãi biển Nha Trang.

 

 

- Sau gần 1 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đạt được những mục tiêu bước đầu gì thưa ông?

 

 

- Các kết quả thu được thông qua phân tích hình ảnh giám sát liên tục trong 2 năm và các đợt khảo sát thực địa 2 mùa (mùa Hè vào tháng 5-2013 và mùa Đông vào tháng 12-2013) là căn cứ quan trọng để lựa chọn và triển khai ứng dụng hệ thống giám sát hình ảnh trực tuyến, dự báo bờ biển vịnh Nha Trang. Thông qua các kết quả nghiên cứu về cơ chế biến động, chúng tôi sẽ đưa ra được định hướng giải pháp nhằm duy trì và nâng cấp bãi biển theo hướng phát triển bền vững.

 

 

- Từ mục tiêu, kết quả đạt được, đề tài đã đưa ra những giải pháp nào?

 

 

- Khi kết thúc, đề tài sẽ đưa ra luận chứng khoa học cho phép định hướng lựa chọn các giải pháp công trình và phi công trình cho bãi biển phía Nam cầu Trần Phú. Các kết quả nghiên cứu và số liệu thu được là tài liệu quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển không gian bờ biển Vịnh Nha Trang.   

 

 

- Quá trình nghiên cứu, đoàn công tác đã nhận được những sự hỗ trợ nào từ phía tỉnh Khánh Hòa? Với tư cách là chủ nhiệm đề tài, ông có kiến nghị gì sau khi kết thúc giai đoạn 1 của chương trình và hướng đến giai đoạn 2?

 

 

- Lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho Ban chủ nhiệm đề tài triển khai các công việc của mình. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, bên cạnh việc ứng dụng các kết quả thu được theo hướng hiện thực hóa những định hướng giải pháp đưa ra, chúng tôi sẽ tham gia nghiên cứu khả năng phát triển bền vững bãi ở bờ phía Bắc thành phố.

 

 

Hy vọng rằng, kết quả quan trọng thu được từ giai đoạn 1 và 2 của đề tài sẽ tiến đến dự án thực tiễn nhằm tạo bãi nhân tạo cho vùng phía Bắc thành phố, dưới sự hỗ trợ về khoa học và kỹ thuật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm đã được triển khai thành công ở Pháp, Hà Lan.

 

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Công Định (thực hiện)