09:06, 24/06/2018

Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường: Cần tiếp tục đổi mới

Giảng dạy kỹ năng sống là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động giáo dục cho học sinh hiện nay. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có nội dung giáo dục kỹ năng sống là một môn học bắt buộc.

Giảng dạy kỹ năng sống là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động giáo dục cho học sinh (HS) hiện nay. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có nội dung giáo dục kỹ năng sống là một môn học bắt buộc.


Tăng cường giáo dục kỹ năng sống


Để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, trong năm học qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động đa dạng, từ việc đưa ra các tình huống cụ thể để trẻ trải nghiệm trong giờ học; tăng cường các góc chơi ngoài sân trường như: trồng vườn rau, vườn hình tượng thú, khu trưng bày chơi dân gian, chợ quê; hay tổ chức hội khỏe măng non, hoạt động “Một ngày bé làm chiến sĩ”, các chuyến tham quan… Ở khối tiểu học, việc tiếp tục thực hiện thí điểm tài liệu “Thực hành kỹ năng sống” cho HS tiểu học trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Nhiều trường đã tổ chức các hoạt động đa dạng vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm, thành lập các câu lạc bộ võ thuật vovinam, karate, lớp bơi lội, cầu lông, aerobic, bóng đá... Những hoạt động này được HS hưởng ứng và tham gia tích cực.

 

Ở cấp THCS, THPT, việc giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học chính khóa, các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp cuối tuần, chương trình hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, chương trình phát thanh thanh niên. Nhiều trường đã tích cực tổ chức các hoạt động kỹ năng mềm cho HS xuyên suốt năm học, rèn cho HS kỹ năng tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động tham quan làng nghề, di tích lịch sử, ngày hội tiếng Anh… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thanh niên, thi tìm hiểu Luật An toàn giao thông đường bộ; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; chăm sóc, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ neo đơn.


Các trường THPT như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu… còn phối hợp với một số trường đại học cho HS trải nghiệm “24 giờ tập làm sinh viên”… Theo cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang), các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của HS. Các em biết kiểm soát hành vi của bản thân, có kỹ năng trong việc giải quyết mâu thuẫn, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể nhiệt tình và có chất lượng hơn.

 

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên sôi nổi trong một hoạt động ngoại khóa.

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên sôi nổi trong một hoạt động ngoại khóa.

 

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục


Theo ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những năm gần đây, các trường đã chú trọng phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên phụ trách công tác đoàn, hội, đội để nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp lúng túng khi thực hiện công tác này trong các tiết sinh hoạt lớp cuối tuần. Việc tiếp cận về kỹ năng sống của HS còn hạn chế, một bộ phận HS bị tác động bởi Internet, game, phim ảnh và lối sống thiếu lành mạnh. Thời gian để các em thực hành chưa nhiều, chưa thường xuyên. Việc giảng dạy vẫn chủ yếu là lồng ghép với thời lượng ít, trong khi việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ chính khóa còn hạn chế do không đủ kinh phí, cơ sở vật chất…


Để nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống HS, chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khi hoạt động trải nghiệm sáng tạo trở thành môn học bắt buộc, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phát huy vai trò của các tổ, nhóm tư vấn tâm lý của nhà trường; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, ban đại diện cha mẹ HS. Bên cạnh đó, các trường cần tiếp tục đổi mới về hình thức, phương pháp giáo dục kỹ năng sống; tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác này. Các trường cũng cần thường xuyên tổ chức những hoạt động tập thể, đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ, tăng cường cho HS tham quan các làng nghề truyền thống, khu di tích lịch sử, nhà truyền thống…


Sở cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT có chương trình và kế hoạch cụ thể cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt cần tăng thêm thời lượng cho hoạt động này hoặc giảm bớt nội dung của một số bài học, từ đó hướng dẫn thống nhất việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho HS. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho cán bộ quản lý và giáo viên các đơn vị, trường học…


H.NGÂN