12:06, 16/06/2017

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên: Cần quan tâm hơn

Mới đây, Khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức hội thảo khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục tỉnh. 

Mới đây, Khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức hội thảo khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HS-SV) trong các cơ sở giáo dục tỉnh Khánh Hòa. Các ý kiến đã chỉ ra một thực tế hiện nay đó là việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng mức.


Chưa được chú trọng


Tại hội thảo, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước thực trạng một bộ phận HS-SV đang có những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức đáng lo ngại như: phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống buông thả, thực dụng, vô cảm trước những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật... Theo cô Trương Thị Xuân - Trường Đại học Nha Trang, có tới 50% SV được khảo sát cho rằng thỉnh thoảng có nói tục, chửi bậy, hơn 34% SV đôi khi gây gổ đánh nhau trong trường, gần 27% SV thỉnh thoảng bỏ giờ học, gần 17% cho rằng vi phạm luật giao thông là hành vi bình thường.

 

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang trong ngày khai giảng năm học

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang trong ngày khai giảng năm học


Cô Nguyễn Thị Bé - Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, khảo sát có 26% SV dùng từ xưng hô không chuẩn mực và hơn 8% SV chưa lễ phép với thầy cô. Còn tại Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang, thầy Phạm Minh Hoàng cho biết, năm học 2016-2017, có tới 24,8% HS hệ trung cấp bị nhà trường xóa tên, tăng hơn 6% so với năm học 2012-2013. Nguyên nhân là do có những biểu hiện sai phạm về đạo đức, vô lễ với giáo viên, gian lận trong kiểm tra, thi cử, vi phạm nội quy, cờ bạc, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông…. “Việc xóa tên là cần thiết, song vấn đề chính là phải có giải pháp tối ưu để nâng cao nhận thức, ý thức của HS ngay khi ngồi trên ghế nhà trường”, thầy Hoàng nhìn nhận.


Những hiện tượng trên xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các ý kiến đã chỉ ra một thực tế hiện nay, HS-SV dễ bị cám dỗ bởi trào lưu xấu của nền kinh tế thị trường. Nội dung bạo lực trên các kênh thông tin, phim ảnh, ti vi, Internet, trò chơi trực tuyến và những tệ nạn xã hội… đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến nhận thức, tư tưởng của thế hệ trẻ. Mặt khác, nhiều gia đình buông lỏng việc quản lý, giáo dục con cái, chưa trở thành tấm gương tốt để con cái noi theo. Trong khi đó, việc giáo dục đạo đức cho HS-SV trong nhà trường vẫn chưa được coi trọng đúng mức.


Cô Đỗ Thị Duy Len - Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang cho rằng, việc giáo dục đạo đức cho HS-SV đã từng bị xem nhẹ ngay từ những bậc học dưới. Hai môn học là Đạo đức (bậc tiểu học), Giáo dục công dân (trung học) bị coi như môn phụ nên không được quan tâm đầu tư, HS cũng chỉ lo học môn chính để đi thi. Còn theo thầy Nguyễn Đức Nghĩa - Trường Đại học Thông tin liên lạc, khi học các môn về giáo dục đạo đức, HS-SV cần được tác động từ những bài học mang tính thực tế, có tính thuyết phục, nhưng chương trình sách giáo khoa lại nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống. Bên cạnh đó, một số giáo viên đánh giá kết quả, khen thưởng, kỷ luật thiếu khách quan, công bằng, ảnh hưởng lớn đến quá trình giáo dục đạo đức cho HS-SV.


Cô Nguyễn Thị Phương Thanh - Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang nhận định: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV trong trường vẫn còn hạn chế. Đó là chưa khai thác triệt để tất cả các hình thức, phương tiện giáo dục nên thu hút ít HS-SV tham gia. Mặt khác, giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nặng về lý thuyết, chưa tập trung giáo dục các em kỹ năng sống và kỹ năng giải quyết những tình huống thực tế. Nhiều cán bộ, giáo viên quan niệm việc giáo dục đạo đức, lối sống là của phòng công tác và quản lý HS-SV, đoàn thanh niên, hội SV nên chỉ tập trung vào việc dạy nghề…”.


Cần nhiều bài giảng, hoạt động thiết thực


Hội thảo đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Theo cô Đỗ Thị Duy Len, trước hết, cần nâng cao nhận thức đối với những lực lượng tham gia trực tiếp vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức từ những bậc học dưới cho đến bậc cao như trung học, đại học với những mô hình phù hợp từng lứa tuổi, hình thức. Nội dung, phương pháp giáo dục cũng cần được thay đổi sinh động và thiết thực hơn để tạo dấu ấn trong tâm hồn các em.


Thầy Đoàn Hải Hưng - Trường Đại học Thông tin liên lạc nêu ý kiến, cần rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa. Đồng thời, lựa chọn những nội dụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của từng lứa tuổi. Các trường cũng cần bố trí thời lượng nhiều hơn cho các hoạt động đoàn, hội, đội và hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo trẻ trung, sinh động, đúng tinh thần của tuổi trẻ. Chẳng hạn như các phong trào: SV 5 tốt, SV với biển đảo quê hương, với văn hóa giao thông…; mô hình tủ sách Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác, sổ vàng nhật ký làm theo lời Bác, chi đoàn hành trình theo chân Bác. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, hội thi khoa học trẻ, nữ sinh thanh lịch, hoạt động văn hóa thể thao, diễn đàn, dã ngoại… Những sân chơi bổ ích, lành mạnh như thế rất cần thiết để bồi đắp tình cảm, niềm tin, lý tưởng cho các em.


T.V