11:09, 19/09/2013

Tuyển dụng giáo viên năm học 2013 - 2014: Nhiều thay đổi tích cực

Với những thay đổi mang tính tích cực trong công tác tuyển dụng viên chức giáo dục và đào tạo năm học 2013 - 2014, Sở giáo dục và đào tạo hy vọng sẽ chọn được người đáp ứng đúng yêu cầu vị trí công việc, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành sư phạm.

Với những thay đổi mang tính tích cực trong công tác tuyển dụng viên chức giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) năm học 2013 - 2014, Sở GD-ĐT hy vọng sẽ chọn được người đáp ứng đúng yêu cầu vị trí công việc, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành sư phạm.


Chú trọng thực hành trong tuyển dụng


Giống như năm ngoái, năm nay, Sở GD-ĐT tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển để tuyển dụng viên chức GD-ĐT năm học 2013 - 2014, đồng thời không nhận đơn trực tiếp của người dự tuyển. Toàn bộ thông tin hướng dẫn và mẫu hồ sơ đăng ký dự tuyển được đăng trên website của Sở (www.khanhhoa.edu.vn). Ngoài ra, việc tuyển dụng viên chức GD-ĐT năm học 2013 - 2014 cho các trường trực thuộc Sở cũng như các trường thuộc thẩm quyền quản lý của các Phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh được thống nhất về thời gian, hồ sơ và phương thức xét tuyển. Nhờ đó, đã hạn chế được tình trạng hồ sơ ảo, Sở GD-ĐT cũng như các Phòng GD-ĐT chủ động hơn trong công tác tuyển dụng.


Điểm mới nhất của công tác tuyển dụng viên chức GD-ĐT năm nay là ngoài phần xét kết quả học tập (điểm học tập và điểm tốt nghiệp), người dự tuyển còn phải thực hành soạn giáo án một tiết dạy trong phân phối chương trình giảng dạy hiện hành cấp THPT hoặc THCS và trả lời phỏng vấn. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “So với năm trước, năm nay, Sở GD-ĐT đặc biệt chú trọng phần thực hành trong tuyển dụng. Người dự tuyển phải soạn giáo án phục vụ cho một tiết dạy, phải trình bày giáo án và các kỹ năng soạn giáo án, phải trả lời những vấn đề nghiệp vụ liên quan đến công tác dạy và học. Trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi cũng sẽ đánh giá phong cách, ngôn ngữ và hình thức người dự tuyển. Điều này giúp chúng tôi chọn được người đáp ứng đúng yêu cầu vị trí công việc, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành sư phạm”. Đánh giá về công tác tổ chức tuyển dụng giáo viên năm nay, thí sinh Vũ Lệ Ngọc - tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy công tác tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả người dự tuyển. Việc đưa vào phần thi thực hành trong công tác tuyển dụng năm nay rất đúng đắn, tạo điều kiện cho người dự tuyển thể hiện được kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng xử lý tình huống”.

 

 Các thí sinh trả lời phỏng vấn xét tuyển.
Các thí sinh trả lời phỏng vấn xét tuyển.


Ưu tiên xét tuyển người địa phương

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong số 330 thí sinh tham gia dự tuyển, có 4 thí sinh người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa; 65 thí sinh có trình độ thạc sĩ và tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Theo phương thức xét tuyển mà Sở GD-ĐT thông báo, kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm thực hành của người dự tuyển. Trong đó, điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập (tính hệ số 1); điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự tuyển (tính hệ số 1). Trường hợp người dự tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ hoặc bảng điểm chỉ ghi điểm trung bình toàn khóa thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp (tính hệ số 2); điểm thực hành tính hệ số 2. Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ thì không tính điểm kết quả học tập mà chỉ tham gia kiểm tra, sát hạch lấy điểm (tính hệ số 2) để làm căn cứ xét tuyển. Theo các ứng viên dự tuyển, cách xét tuyển như vậy là hợp lý. Những người có kết quả học tập không cao (có thể do cách đánh giá của trường hoặc bị chi phối bởi điểm các môn học hay hoạt động phụ) nhưng thực sự có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn vẫn có cơ hội thể hiện năng lực của mình ở phần thi thực hành. Đây là một điểm mới rất có ý nghĩa vì trong nghề sư phạm, giữa học và hành không phải bao giờ cũng thống nhất như nhau.


Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều thí sinh, áp lực lớn nhất đối với họ không phải là kiến thức, năng lực mà là chỉ tiêu tuyển dụng. Tổng số thí sinh tham gia dự tuyển lên tới 330 người nhưng chỉ tiêu tuyển dụng của Sở GD-ĐT chỉ có 73 GV. Ngoài ra, việc Hội đồng tuyển dụng chia đối tượng dự tuyển thành 2 nhóm để xác định trúng tuyển cũng gây lo ngại cho không ít thí sinh ngoại tỉnh. Theo đó, nhóm đối tượng 1 là những người có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa ít nhất từ khi bắt đầu học lớp 10 cấp THPT; nhóm đối tượng 2 là các trường hợp còn lại. Khi xét, Hội đồng tuyển dụng sẽ xét nhóm đối tượng 1 trước, nếu còn nhu cầu mới tiếp tục xét nhóm đối tượng 2. Trong mỗi nhóm đối tượng, xét theo thứ tự ưu tiên như sau: Người dân tộc thiểu số; người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và ngoài nước có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; người tốt nghiệp (đại học, cao đẳng, trung cấp) sư phạm hệ chính quy; đối với trường hợp được đào tạo 2 môn chuyên ngành thì ưu tiên xét môn chuyên ngành 1 trước. Được biết, trong tổng số 330 thí sinh tham gia dự tuyển, có tới 172 thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa, chiếm 52,1%. Con số này lý giải vì sao có những thí sinh đã đóng tiền lệ phí xét tuyển, đã bốc thăm dự giờ nhưng cũng đành… bỏ thi!    


Ngày 18-9, Sở GD-ĐT đã công bố điểm xét tuyển của 330 thí sinh tham gia tuyển dụng viên chức GD-ĐT năm học 2013 - 2014. Dự kiến, ngày 30-9 mới có kết quả trúng tuyển chính thức. Với những thay đổi mang tính tích cực trong công tác tuyển dụng, hy vọng Hội đồng tuyển dụng và người dự tuyển sẽ đạt được nguyện vọng của mình.  


THU HIỀN