07:09, 03/09/2013

Sách tham khảo: Chọn kỹ trước khi mua

Trên thị trường sách giáo dục, hiện có quá nhiều sách tham khảo của nhiều nhà xuất bản. Bởi vì quá “đa dạng” về hình thức, nội dung cũng như chất lượng nên phụ huynh, học sinh thì không biết đâu mà lựa chọn…

Trên thị trường sách giáo dục, hiện có quá nhiều sách tham khảo (STK) của nhiều nhà xuất bản (NXB). Bởi vì quá “đa dạng” về hình thức, nội dung cũng như chất lượng nên phụ huynh, học sinh thì không biết đâu mà lựa chọn…


Quá nhiều đầu sách


Dạo quanh các nhà sách ở TP. Nha Trang, điều dễ dàng nhận ra chính là sự xuất hiện của quá nhiều loại STK. Ở các nhà sách, khu vực trưng bày sách giáo khoa có rất nhiều các loại STK; từ lớp 1 cho tới lớp 12, lớp nào cũng có rất nhiều STK để học sinh lựa chọn. Cùng một bộ môn, cùng một bậc học, thế nhưng có quá nhiều STK của nhiều tác giả và nhiều NXB khiến cho phụ huynh, học sinh như lạc vào “mê hồn trận”. Tại Nhà sách Phương Nam Nha Trang, chị Nguyễn Thị Hằng (phường Phương Sài) đứng tần ngần ở kệ STK dành cho học sinh lớp 6. Cầm trên tay nhiều STK môn Toán, lật qua lật lại các quyển sách, chị Hằng lắc đầu nói: “Môn gì cũng có STK, mình không mua cho con thì sợ con không theo kịp bạn bè. Một phần vì bài tập trong sách quá nhiều, còn phải đi học thêm. Thế nhưng, trong một môn mà có quá nhiều STK khiến mình không biết đâu là sách có chất lượng tốt để chọn mua”.

 

Sách tham khảo trong nhà sách quá nhiều khiến học sinh khó khăn lựa chọn.


Ở khu vực sách dành cho học sinh lớp 12, chỉ tính riêng môn Văn và môn Toán, người mua nhận thấy sự xuất hiện của gần 100 đầu sách với nhiều tác giả và NXB khác nhau. Đơn cử như môn Toán, tràn lan các loại STK như: Toán thông minh và phát triển (NXB Đại học Sư phạm); Bài tập nâng cao về một số chuyên đề Toán (NXB Giáo dục Việt Nam); Toán hình học và nâng cao (NXB Giáo dục Việt Nam); Bước đầu tự học Toán (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)... Riêng tuyển tập những bài văn mẫu... thì bất cứ lớp học, cấp học nào cũng có. Điều đáng nói, nhiều NXB không liên quan gì đến công tác giáo dục cũng xuất bản tràn lan các loại sách này. Chính sự xuất hiện quá nhiều các loại STK khiến cho các em sinh khó khăn trong việc lựa chọn. Em Trần Thị Khánh Ly (lớp 7, Trường THCS Âu Cơ) chia sẻ: “Em không biết chọn sách nào. Mỗi sách có cái hay riêng, nhưng cũng có nhiều sách viết na ná nhau. Trước khi mua STK chắc em phải về hỏi ý kiến thầy cô giáo rồi mới mua”.

 

Chất lượng còn bỏ ngỏ


Ngược với sự “tăng trưởng” về số lượng, các đầu STK hiện nay đang có sự giảm sút về chất lượng. Bên cạnh những đầu sách có nội dung tốt vẫn tồn tại những cuốn có chất lượng thấp. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Giáo dục, hiện có nhiều tác giả, NXB có tên tuổi vì lợi ích kinh tế đã bán giấy phép xuất bản cũng như bán uy tín của mình trong việc liên kết xuất bản STK. Có không ít nhà xuất bản đã phó mặc cho các nhà sách tư nhân về mặt nội dung bản thảo, mặc dù không phải nhà sách nào cũng có đủ năng lực để thẩm định nội dung. Do đó, chất lượng STK bị “tụt dốc” rõ rệt theo kiểu ấn hành như hiện nay. Ngoài một số đầu sách do các giáo sư, tiến sĩ có uy tín biên soạn, vẫn tồn tại rất nhiều STK được viết bởi những tác giả “không tên tuổi”. Nhiều STK mới lướt qua người mua đã phải lắc đầu vì chất lượng quá tệ. Buồn cười hơn, có sách còn lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Như câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Kahlil Gibran (người Li Băng) do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển ngữ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, thế nhưng trong cuốn “Những đoạn văn hay” của NXB Đồng Nai lại cho đây là ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hay trong một cuốn STK môn Vật lý lớp 12 có ghi việc ông bà Pierre Curie và Marie Curie tìm ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo vào năm 1934. Tuy nhiên, thực tế thì ông Pierre mất năm 1906 và bà Marie mất năm 1934. Hiện tượng phóng xạ nhân tạo là do con rể, con gái của ông bà là Frédéric và Irene Joliot-Curie nghiên cứu phát hiện và nhận giải thưởng Nobel năm 1935. Không những vậy, trong hàng trăm loại STK có không ít cuốn có rất nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp. Hay khi trích dẫn tác giả không ghi rõ nguồn gốc...


Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Quan điểm của Sở là nghiêm cấm các trường vận động hoặc bắt học sinh mua STK dưới mọi hình thức. Chất lượng STK bây giờ đủ dạng, nhiều cuốn đắt tiền song nội dung rất thấp. Nhà in nào người ta cũng có thể in được STK nên chất lượng không đảm bảo. Có không ít học sinh quá dựa dẫm vào STK dẫn đến thiếu tính sáng tạo, cứ nghĩ nội dung STK đã chuẩn nên cứ nhất nhất tham khảo để áp dụng. Chúng ta không thể cấm việc bán STK, song các phụ huynh nên cân nhắc khi mua STK cho con em mình. Cuốn nào cần thiết thì mới mua, mà mua cũng nên chọn những NXB uy tín. Bên cạnh đó, cần phải định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn STK để tránh lãng phí thời gian và tiền của”.  


Tầm quan trọng của STK là không thể phủ nhận. Với học sinh, ngoài kiến thức thầy cô giảng thì STK chính là một nguồn bổ sung kiến thức cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng STK tràn lan như hiện nay thực sự đáng lo ngại. Để có sự lựa chọn đúng đắn, các thầy cô cũng như phụ huynh cần có định hướng cho con, em mình khi năm học mới đã bắt đầu.


Đình Lâm