07:08, 22/08/2013

Đồng tình nhưng vẫn lo âu

Tuy đồng tình, ủng hộ chủ trương không chấm điểm học sinh lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo  nhưng khá nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh  tỏ ra lo lắng trước quy định này.

Tuy đồng tình, ủng hộ chủ trương không chấm điểm học sinh (HS) lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng khá nhiều giáo viên (GV), phụ huynh HS tỏ ra lo lắng trước quy định này.


Góp phần giảm áp lực đối với học sinh


Trong công văn hướng dẫn các Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 đối với cấp tiểu học, Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Đối với lớp 1, khuyến khích GV chỉ nhận xét, không chấm điểm HS; nếu chấm điểm, GV không nên thông báo điểm số cho gia đình HS; GV tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào”. Đây được cho là một trong những bước đi của Bộ GD-ĐT để từng bước giảm tải chương trình tiểu học; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS. Theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá HS theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày sẽ giúp HS cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.


Đồng tình với chủ trương này, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, đây là một cách làm hay bởi nó sẽ không gây căng thẳng, tạo áp lực cho HS và cả bậc phụ huynh. Thực tế hiện nay, rất nhiều phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Vì vậy, việc chấm điểm HS lớp 1 không thể chính xác, công bằng; không chấm điểm sẽ góp phần làm giảm bớt tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1. Còn theo bà Nguyễn Thị Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Nha Trang), chủ trương không cho điểm đối với HS lớp 1 của Bộ GD-ĐT thể hiện được tính nhân văn cao. Các em chuẩn bị vào lớp 1 không phải chịu áp lực về tâm lý khi phải học trước, bị bố mẹ đem so sánh điểm số với anh em, bạn bè. Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Huỳnh Nhật Giang, GV lớp 1 Trường Tiểu học Lộc Thọ (Nha Trang) bày tỏ: “Khi chấm điểm HS lớp 1, không chỉ HS mà cả phụ huynh cũng thường hay đem điểm số ra so sánh với anh em, bạn bè. Điều này không đáng có đối với HS lớp 1. Vì vậy, nếu thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT thì sẽ góp phần làm giảm áp lực cho phụ huynh HS, giờ học cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, tâm lý HS thoải mái nên sẽ dạn dĩ hơn khi phát biểu. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ giúp GV nắm bắt xu hướng đổi mới của ngành, phòng, chống được việc dạy thêm học thêm...”.


Nhiều luồng ý kiến khác nhau

1Ngày 15-7, bà Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2013.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phương Sài (Nha Trang) năm học 2012 - 2013.


Tuy đồng tình, ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhưng khá nhiều GV, phụ huynh HS và cấp quản lý tỏ ra lo lắng trước quy định này.


Bà Nguyễn Thị Luyến bày tỏ: “Lâu nay, GV đã quen đánh giá HS bằng định lượng (cho điểm), hình thức này rõ ràng không mất nhiều thời gian, nhanh gọn. Nay không cho điểm mà đánh giá HS bằng định tính (nhận xét), đòi hỏi GV phải mất nhiều thời gian, công phu hơn. Tôi lo GV sẽ ngại thay đổi. Bởi lẽ, GV đi dạy 2 buổi/ngày, dạy nhiều môn lại còn phải nghiên cứu bài dạy... Họ có thời gian để nhận xét từng HS hay không?”. Cô Nguyễn Huỳnh Nhật Giang chia sẻ: “Với một lớp đông HS thì việc nhận xét từng cá nhân quả là không đơn giản đối với GV. Trước nay, phụ huynh đã quen với việc cho điểm số nên nếu không chấm điểm họ sẽ thắc mắc, hỏi GV nhiều về con em mình. Theo tôi, để thuận lợi cho GV trong việc nhận xét, đánh giá HS, Bộ GD-ĐT nên xây dựng tiêu chí đánh giá cho các môn Toán và Tiếng Việt như trước đây xây dựng tiêu chí cho các môn đánh giá bằng nhận xét như: Đạo đức, Mỹ thuật, Nhạc... Ngoài ra, GV cũng phải đổi mới tư duy để phù hợp với xu thế mới.


Về phía phụ huynh HS, chị Ngô Nhi (đường Hà Thanh, Nha Trang) có con chuẩn bị vào lớp 1 bộc bạch: “Việc nên hay không nên cho điểm đối với HS lớp 1 đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của tôi thì cho điểm là rất quan trọng. Cho điểm là cách chính xác để biết con mình học tập tới đâu. Điểm số sẽ khích lệ các cháu học tốt hơn. Nếu hôm nay cháu được 6 điểm, ngày mai cháu sẽ cố gắng được 8, 9 điểm... Các cháu sẽ nhìn nhau để tiến bộ hơn. Tuy nhiên, chủ trương mới của Bộ GD-ĐT cũng là một cách hay bởi nó sẽ không gây căng thẳng, tạo áp lực cho HS. Nhưng nếu không cho điểm số mà chỉ đánh giá chung chung thì làm sao phụ huynh biết được mức độ học tập và nhận thức của con em mình? Liệu nhận xét của GV có phản ánh đúng thực chất lực học của các em? Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở”.


Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lý cho biết, Bộ GD-ĐT chưa bắt buộc các trường phải thực hiện ngay trong năm học 2013 - 2014 mà chỉ mang tính khuyến khích. Tuy nhiên, đồng tình với quan điểm của Bộ, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014, trong đó nhấn mạnh từ ngày 26 đến 30-8, các trường tiểu học phải tổ chức “Tuần làm quen” để hướng dẫn HS làm quen với lớp 1. Trong 2 tuần lễ đầu, GV tuyệt đối không cho điểm HS, chỉ nhận xét mang tính động viên, khuyến khích, khen ngợi và ghi nhận sự tiến bộ của các em. Nếu thấy cần thiết có thể kéo dài đến tuần thứ 3 hoặc thứ 4. Để chủ trương không chấm điểm đối với HS lớp 1 của Bộ GD-ĐT được thực hiện một cách thống nhất, toàn diện, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá; đưa ra được một thang chuẩn với các tiêu chí đánh giá để nhận xét về kiến thức và kỹ năng của HS. Ngoài ra, đội ngũ GV chủ nhiệm lớp 1 phải tâm huyết, sát sao HS thì mới hiện thực hóa được chủ trương tốt đẹp đó.  


THU HIỀN