11:09, 28/09/2012

Đi tìm giải pháp hiệu quả

Một tháng trôi qua, năm học mới 2012 - 2013 đã đi vào ổn định. Nhiều trường, lớp đã tiến hành khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học. Và nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục là vấn đề trăn trở của nhiều người.

Một tháng trôi qua, năm học mới 2012 - 2013 đã đi vào ổn định. Nhiều trường, lớp đã tiến hành khảo sát chất lượng học sinh (HS) đầu năm học. Và nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục là vấn đề trăn trở của nhiều người.

Nghiêm túc đánh giá học lực học sinh

Sau kỳ khảo sát chất lượng HS đầu năm học 2012 - 2013, một số giáo viên (GV) và phụ huynh HS cấp tiểu học than thở: “Đề khảo sát chỉ là những kiến thức căn bản các em đã được học trong năm học vừa qua, vậy mà nhiều em là HS giỏi, có em trong đội thi HS giỏi của trường không làm được bài. Kết quả này là do đánh giá không đúng năng lực HS, do phương pháp giảng dạy và bệnh thành tích. Nếu vấn đề này cứ lặp lại từ năm học này sang năm học tiếp theo thì không thể nói nâng cao chất lượng giáo dục”.

Trước quan điểm trên, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng: “Nếu lấy kết quả khảo sát chất lượng HS đầu năm học để kết luận vấn đề trên là chưa đủ và hơi vội!”. Theo ông Lê Tuấn Tứ, những năm qua, ngành GD-ĐT đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng GD. Trong đó, biện pháp trước tiên và cực kỳ quan trọng là phải đánh giá đúng thực chất học lực của HS. Việc đánh giá phải dựa trên cả quá trình học tập của HS chứ không phải dựa vào một thời điểm nhất định. Có thể khẳng định, toàn ngành đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng GD, trong đó có việc đánh giá đúng học lực HS. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số trường, GV vì chạy theo thành tích mà làm ảnh hưởng đến chất lượng GD, nguy hại hơn là trực tiếp làm cho HS bị hổng kiến thức cơ bản ngay từ bậc tiểu học. Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài, Nha Trang cũng khẳng định: “Việc đánh giá nghiêm túc học lực HS, nhất là bậc tiểu học rất quan trọng. Việc đánh giá, khảo sát phải được thực hiện công bằng, khách quan và có quá trình”.

Một tháng trôi qua, năm học mới 2012 - 2013 đã đi vào ổn định. Nhiều trường, lớp đã tiến hành khảo sát chất lượng học sinh (HS) đầu năm học. Và nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục là vấn đề trăn trở của nhiều người.
Cần đánh giá đúng học lực của học sinh để giảng dạy cho phù hợp.

Nghiêm túc đánh giá năng lực của HS là để nhìn thẳng vào sự thật, tìm cách giúp HS học tập tiến bộ hơn. Nhiều năm nay, so với các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, thậm chí cả tỉnh thì chất lượng đầu vào của Trường THPT Trần Quý Cáp luôn thấp nhất. Đơn cử trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2012 - 2013, điểm đầu vào của các trường THPT trong toàn thị xã đều trên 30 điểm, riêng Trường THPT Trần Quý Cáp là 24,5 điểm. Ông Huỳnh Hữu Lân - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quý Cáp chia sẻ, chính vì chất lượng đầu vào quá thấp nên công tác đánh giá học lực của HS càng phải nghiêm túc hơn để có kế hoạch giảng dạy và phụ đạo HS cho phù hợp, hiệu quả. Nhờ vậy, chất lượng HS tiến bộ rõ rệt qua từng năm học. Năm 2011, tỷ lệ HS của trường đậu cao đẳng, đại học là 56%, năm 2012 là 59,2%. “Nếu so với các trường khác thì tỷ lệ này là thấp, nhưng nếu đánh giá trong hoàn cảnh thực tế của nhà trường thì kết quả này là sự nỗ lực nghiêm túc của tập thể để nâng cao chất lượng GD”. Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) cũng là một đơn vị điển hình để các trường có thể học tập tính nghiêm túc trong công tác đánh giá, GD HS. Nhờ nghiêm túc, mạnh dạn đánh giá đúng học lực của HS để có kế hoạch chia lớp, phân công GV giảng dạy phù hợp mà trong kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2012, trường đã vượt 49 bậc trong top các trường có tỷ lệ HS đậu cao đẳng, đại học cao.

Mạnh dạn đổi mới công tác quản lý

Chia sẻ các giải pháp của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng GD, ông Huỳnh Hữu Lân cho biết: “Năm học vừa qua, chúng tôi đã miễn nhiệm cùng lúc 4 tổ trưởng chuyên môn có tư tưởng “công thần”, bảo thủ, ỷ lại và mạnh dạn thay những GV trẻ (có người mới ra trường 3 năm) nhiệt huyết, trách nhiệm, có tinh thần cầu tiến, vươn lên”. Việc làm này là một cuộc cải tổ để đội ngũ quản lý nhà trường làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đề cao sự đoàn kết nhất trí, chân thành, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đây chính là yếu tố cốt lõi để tạo nên sự chuyển biến đi lên của nhà trường. Bên cạnh đó, mỗi GV cũng phải có kế hoạch cụ thể để không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng bài, từng chương và với từng đối tượng HS theo yêu cầu đổi mới GD hiện nay. Ông Lê Tấn Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng nói: “Để nâng cao chất lượng dạy và học, bên cạnh việc nghiêm túc đánh giá học lực HS, nhà trường còn tổ chức lấy ý kiến của HS về công tác giảng dạy và chủ nhiệm của GV để nghiên cứu, bố trí, sử dụng nhân sự hiệu quả hơn”.

Một giờ học ngoại khóa của học sinh tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi.
Một giờ học ngoại khóa của học sinh tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi.

Ông Tạ Quang Sum - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Cam Ranh) tâm sự: “Nhiều GV cho rằng HS là cái bình cần được đổ đầy kiến thức, chứ không nhận thức được các em là những ngọn đuốc cần được thắp sáng. Chính vì vậy, mang trọng trách dạy chữ, dạy người nhưng GV chỉ mới làm được phần rao giảng chữ nghĩa. Trường học chưa hề tìm hiểu HS đang cần gì ngoài việc học chữ? Theo tôi, để nâng cao chất lượng GD, đồng bộ với việc thay đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi cách kiểm tra đánh giá, GV cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận và chăm sóc HS”. Để làm được điều này, trước hết là tâm huyết của GV và người làm công tác quản lý. Gia đình, chính quyền địa phương phải quan tâm đến công tác GD, đồng thời trang bị ý thức học tập cho HS. Bởi, GD HS không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình từ dưới lên, đòi hỏi người thầy phải có cái tâm trong sáng, hết lòng vì HS.

Lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng GD không đâu xa mà trong chính mỗi người thầy, người làm công tác quản lý GD và sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của gia đình, xã hội để đáp ứng tốt nhất điều kiện dạy và học.

THU HIỀN