02:09, 01/09/2012

Thực hiện những giải pháp đột phá

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục, năm học 2012-2013, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện những giải pháp đột phá và lâu dài nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn so với năm học trước.

 

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục, năm học 2012-2013, ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện những giải pháp đột phá và lâu dài nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn so với năm học trước.

. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: “Nhìn lại năm học 2011-2012, có thể thấy, quyết tâm đổi mới, đặc biệt là đổi mới quản lý GD đã tạo ra sự đồng thuận cao hơn trong toàn ngành. Chính vì vậy, trong năm học tới, đổi mới công tác quản lý GD sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đặt lên hàng đầu”. Để làm được điều này, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời bổ sung, sửa đổi các quy định về phân cấp quản lý GD theo Nghị định 115 của Chính phủ; đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh cải cách hành chính... Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc công khai, đầy đủ và kịp thời những nội dung cần thiết trong quản lý các nguồn lực; bảo đảm minh bạch về chất lượng, thu chi tài chính; giúp người học và xã hội có thể tham gia giám sát, đánh giá theo đúng các quy định của pháp luật.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm cho biết, để thực hiện hiệu quả việc đổi mới công tác quản lý, trước hết phải tập trung vào công tác cán bộ. Theo đó, cần mạnh dạn đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá và quy hoạch cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, toàn diện; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu. “Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ quản lý các trường học để khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín và tạo cơ hội cho người làm công tác quản lý có thể tiếp cận môi trường làm việc mới, có cách nhìn mới đối với công việc tưởng chừng đã rất quen thuộc của mình” - ông Đỗ Hữu Quỳnh chia sẻ.

Từ năm học 2012-2013, sẽ tạo chuyển biến giáo dục miền núi.
Từ năm học 2012-2013, sẽ tạo chuyển biến giáo dục miền núi.

. Chuyển biến về chất lượng giáo dục ở miền núi

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT tỉnh trong năm học 2012-2013 là tập trung đầu tư, chỉ đạo GD miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng kế hoạch đồng bộ, cụ thể, thiết thực; quyết tâm làm chuyển biến từng bước vững chắc chất lượng GD miền núi. Được biết, Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xúc tiến thành lập các phân hiệu hoặc lớp nhô trung học cơ sở và phân hiệu Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh) để sẵn sàng hoạt động từ năm học 2012-2013 nhằm giải quyết khó khăn trong đi lại - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh (HS) bỏ học. Sở cũng đã trình HĐND, UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ cho HS các cấp, trong đó, tổ chức tốt hơn bữa ăn trưa tại các trường mầm non và tiểu học học 2 buổi/ngày nhằm góp phần nâng cao thể trạng và đảm bảo sự chuyên cần của HS miền núi.

Sở GD-ĐT cũng khẳng định, các đơn vị cần tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo huyện; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và phụ huynh HS để cùng phối hợp GD HS, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động HS bỏ học ra lớp. Đặc biệt, phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với HS miền núi, nhất là HS người dân tộc thiểu số; tăng cường phụ đạo cho HS yếu kém; cố gắng tổ chức nhiều hoạt động GD phong phú, vui tươi... Ông Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn cho biết: “Địa phương không ngừng củng cố và phát huy vai trò của Chi hội Khuyến học trong nhà trường để thường xuyên quan tâm theo dõi, giúp đỡ HS nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây chính là chỗ dựa vững chắc, là nguồn động viên thiết thực, kịp thời, góp phần phát hiện sớm và ngăn chặn những HS có nguy cơ bỏ học”.

. Đưa chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa vào chương trình học

Ông Lê Tuấn Tứ cho biết, từ năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường giảng dạy về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa cho HS bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thông qua môn học Lịch sử, Địa lý. Trước đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học Lịch sử Khánh Hòa ở trường phổ thông”. Trong đó, kiến thức về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử được biên soạn trong các bài học. Các kiến thức này sẽ được giảng dạy nội khóa, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khẳng định huyện Trường Sa là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa. Kiến thức về Trường Sa còn nằm trong chương trình ngoại khóa bắt buộc như: Tầm quan trọng của biển, đảo; Trường Sa, Hoàng Sa hôm nay và trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... Sắp tới, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn về nội dung và phương pháp dạy học lịch sử địa phương cho cán bộ, giáo viên môn Lịch sử toàn tỉnh. Trong đó, nội dung trọng tâm là hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về lịch sử chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

LÊ NGUYÊN