01:10, 27/10/2020

Khánh Sơn khẩn trương ứng phó với bão số 9

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, hiện chính quyền và người dân các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang khẩn trương triển khai các công việc ứng phó với mưa bão. Các địa phương đã sẵn sàng phương án di dời người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, hiện chính quyền và người dân các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang khẩn trương triển khai các công việc ứng phó với mưa bão. Các địa phương đã sẵn sàng phương án di dời người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Người dân cũng đã chủ động chằng chống nhà cửa, cây trồng để tránh thiệt hại.

 

Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn kiểm tra công trình thi công cầu Kô Róa (xã Sơn Lâm) trước bão số 9
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn kiểm tra công trình thi công cầu Kô Róa (xã Sơn Lâm) trước bão số 9

 

Liên tục những ngày qua, thông tin về cơn bão số 9 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến Khánh Sơn, sau khi chằng chống xong nhà cửa, ông Lê Minh Đức - ở thôn Cam Khánh (xã Sơn Lâm) đã gấp rút mua dây, tìm người để chằng néo 1ha cây sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh của gia đình. “Rút kinh nghiệm từ đợt bão số 12 năm 2017 đã khiến gần 40 cây sầu riêng của gia đình bị gãy đổ, tôi đã phải chạy về tận Cam Ranh để mua dây cước loại lớn về chằng néo hơn 200 cây sầu riêng trong vườn. Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết các hộ có cây sầu riêng lớn đều tiến hành chằng néo cây để tránh gãy ngã do mưa bão”. Được biết, trước mùa mưa bão người dân địa phương đã chủ động chằng néo các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh...

 

Người dân Khánh Sơn chủ động chẳng néo cây sầu riêng
Người dân Khánh Sơn chủ động chẳng néo cây sầu riêng

 

Hiện, công tác ứng phó với cơn bão số 9 trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn đang hết sức gấp rút. Các địa phương đang tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chuẩn bị các khu vực, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng di dời các hộ đến nơi an toàn. “Qua rà soát, trên địa bàn xã Sơn Lâm có 84 hộ sinh sống ở các khu vực ven đồi núi, sông suối có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Địa phương đã bố trí toàn bộ, khi có mưa lớn sẽ di dời ngay đến nơi an toàn. Ngoài ra, chúng tôi đã huy động các lực lượng của địa phương để giúp dân chằng chống nhà cửa, bố trí người để canh gác, cảnh báo tại các vị trí xung yếu”, ông Trịnh Đình Ba – Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm nói.

 

Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn đề nghị người dân chủ động bảo vệ cây trồng của mình trước khi bão số 9 đổ bộ
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn đề nghị người dân chủ động bảo vệ cây trồng của mình trước khi bão số 9 đổ bộ

 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Khánh Sơn, với địa hình đồi núi, độ dốc cao, nhiều sông suối nên nguy cơ sạt lở đất đồi núi, lũ quét có nguy cơ cao xảy ra trên địa bàn mỗi khi có mưa lớn. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, đến 8 giờ sáng 27-10, toàn huyện Khánh Sơn xác định có 27 điểm có khả năng xảy ra sạt lở đất khi có mưa lũ với 245 hộ/1.031 nhân khẩu phải di dời; bên cạnh đó, toàn huyện có 23 vị trí xung yếu, nhiều khả năng ngập lụt khi bão số 9 gây mưa lớn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng nghìn ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của người dân trong huyện cũng bị ảnh hưởng lớn khi mưa bão xảy ra.

 

Một phương tiện thu gom đất đát tràn ra mặt đường sau cơn mưa lớn tối 26-10
Một phương tiện thu gom đất đá tràn ra mặt đường sau cơn mưa lớn tối 26-10

 

Trong sáng 27-10, ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn đã đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão số 9 tại các xã cánh Tây của huyện Khánh Sơn. Ông Nhuận cho biết, trong chiều 26-10, UBND huyện đã họp, triển khai ngay đến các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác ứng phó với cơn bão số 9. Qua kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại các thôn Cam Khánh, Kô Róa (xã Sơn Lâm); các điểm ngầm, cầu tràn; các công trình đang thi công trên địa bàn các xã cánh Tây, UBND huyện yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, có nguy cơ ngập lụt, địa phương phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để sơ tán người dân đến nơi an toàn, bố trí đủ lương thực, nước uống cho người dân sơn tán. Đồng thời cắt cử lực lượng chốt chặn tại các địa bàn xung yếu, sạt lở, các vị trí cầu tràn. Các địa phương cần khẩn trương nhắc nhở các hộ dân chằng chống nhà cửa, cây trồng; tuyên truyền đến người dân không được ra xem nước lũ, đi câu cá, chích điện, vớt củi ở sông, suối… Đối với các công trình đang thi công, phải tạm dừng ngay để phòng tránh mưa bão.   

 

  HẢI LĂNG