10:08, 27/08/2018

Tòa án nhân dân tỉnh: Thêm áp lực vì quy định tố tụng mới

Do thay đổi một số quy định về tố tụng, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang chịu áp lực lớn bởi lượng án sơ thẩm tăng cao trong khi biên chế không tăng.

 

Do thay đổi một số quy định về tố tụng, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đang chịu áp lực lớn bởi lượng án sơ thẩm tăng cao trong khi biên chế không tăng.


Án tăng đáng kể


Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, chủ tịch UBND  huyện trong các vụ án hành chính và trong các tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất có xem xét tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đã cấp cho các đương sự trong vụ án. Thẩm quyền này trước đây quy định thuộc TAND cấp huyện. Quy định về thẩm quyền thay đổi đã khiến lượng án hành chính, dân sự sơ thẩm ở TAND tỉnh tăng vọt.

 

Phiên tòa sơ thẩm hình sự vụ án Ngô Tấn Thành cướp giật tài sản  của người nước ngoài tại Tòa án nhân dân tỉnh.

Phiên tòa sơ thẩm hình sự vụ án Ngô Tấn Thành cướp giật tài sản của người nước ngoài tại Tòa án nhân dân tỉnh.


Cụ thể, 2 năm trước khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (ngày 1-7-2016), TAND tỉnh chỉ giải quyết 18 vụ án hành chính sơ thẩm; nhưng 2 năm tiếp theo từ ngày luật này có hiệu lực, TAND tỉnh đã giải quyết 138 vụ, tăng 7,6 lần. Trong đó, riêng giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện 75 vụ, chiếm 54% tổng số án hành chính giải quyết. Đối với án dân sự sơ thẩm, 2 năm trước ngày Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực (ngày 1-7-2016), TAND tỉnh giải quyết 81 vụ. 2 năm sau ngày bộ luật này có hiệu lực, TAND tỉnh đã giải quyết 180 vụ, tăng gấp 2,2 lần. Trong đó, có 80 vụ yêu cầu hủy GCN, chiếm hơn 44% tổng số vụ án dân sự sơ thẩm giải quyết.


Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) cũng bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Theo đó, TAND cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu còn xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài. Quy định bổ sung thẩm quyền này kéo theo nguy cơ tăng mạnh lượng án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh, đặc biệt ở nhóm tội trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản có yếu tố nước ngoài. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, TAND tỉnh đã giải quyết 35 vụ án hình sự sơ thẩm, tăng 22 vụ so với cùng kỳ năm 2016.  


Thực tế, ngoài giải quyết án sơ thẩm, thẩm phán TAND tỉnh còn phải giải quyết, xét xử hàng trăm vụ án phúc thẩm các loại, cùng nhiều công vụ khác như: ra quyết định ủy thác thi hành án, ra các quyết định thi hành hình phạt đối với người bị kết án, hoãn thi hành án, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cho người đang chấp hành hình phạt tù, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc…


Biên chế thẩm phán không tăng


Năm 2013, TAND tỉnh có 15 thẩm phán. Năm 2016, con số này chỉ còn 12 người. Đến năm 2017, TAND tỉnh mới được điều động bổ sung 1 thẩm phán từ cấp huyện, thành 13 thẩm phán. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, TAND tỉnh giải quyết 310 vụ án các loại, riêng án sơ thẩm 117 vụ. Tính ra, trong 6 tháng, mỗi thẩm phán giải quyết gần 24 vụ án các loại, riêng án sơ thẩm 9 vụ. Dù vậy, theo kế hoạch của Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, từ cuối năm 2017 đến 2021, các tòa án địa phương phải giảm 10% biên chế. Với 57 biên chế hiện tại, theo yêu cầu này, TAND tỉnh phải giảm 6 biên chế, trong khi các vị trí công việc còn lại đều có số người hạn chế.  

 

Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo nhiều nội dung, trong đó yêu cầu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 2314 ban hành quy chế giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giải quyết án cũng gặp vướng mắc. Thẩm phán Trần Thị Kim Hải (TAND tỉnh) nêu, tháng 6 vừa qua, khi giải quyết sơ thẩm dân sự về yêu cầu chia tài sản thừa kế và hủy GCN giữa nguyên đơn L.V.K (ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và bị đơn L.C (ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa), tòa gửi công văn đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Ninh Hòa trích sao toàn bộ thông tin hồ sơ thửa đất mà UBND thị xã Ninh Hòa đã cấp GCN cho ông L.C, do công văn trả lời trước đó chưa đủ căn cứ giải quyết vụ án. Nhưng căn cứ Quyết định số 2314 ngày 10-8-2017 của UBND tỉnh ban hành quy chế giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chi nhánh yêu cầu tòa cử người tới bộ phận một cửa UBND thị xã để ký hợp đồng cung cấp thông tin. Để đảm bảo tiến độ giải quyết án, thư ký phải ra 2 lần, chờ tới lượt ký hợp đồng và nhận kết quả.  


Ông Nguyễn Anh - Chánh án TAND tỉnh cho biết, những vướng mắc trên đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác tổ chức xét xử tại TAND tỉnh. Ông Nguyễn Anh kiến nghị sửa đổi một số quy định tố tụng theo hướng giao cho TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện trong vụ án hành chính và các tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất có xem xét tính hợp pháp của GCN của UBND cấp huyện.


NGUYỄN VŨ