12:05, 31/05/2018

Hướng đi mới cho người lao động

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và huyện Khánh Vĩnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện theo hướng phi nông nghiệp nhằm tạo ra sự bứt phá trong xóa đói giảm nghèo.

 

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và huyện Khánh Vĩnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện theo hướng phi nông nghiệp nhằm tạo ra sự bứt phá trong xóa đói giảm nghèo.


Còn nhiều hạn chế


Khánh Vĩnh là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (hơn 70%). Thời gian qua, được sự hỗ trợ đắc lực của Trung ương và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn cao( 52.1%). Nguyên nhân chính là do ý thức vươn lên thoát nghèo của đại đa số đồng bào còn hạn chế, đặc biệt là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.

Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.


Ông Nguyễn Thu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Khánh Vĩnh cho biết, hầu hết lao động ở Khánh Vĩnh có sức khỏe, thể lực, song trình độ học vấn, dân trí còn yếu, lao động có trình độ, tay nghề còn hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Điểm yếu nữa của người lao động Khánh Vĩnh là tâm lý ngại làm việc xa nhà, làm việc tùy tiện nên rất khó để động viên đi xuất khẩu lao động hay làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp cần tác phong công nghiệp.


Theo ông Lê Kim Sung - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, thông qua quá trình vận động, tuyên truyền của các cấp, ngành, hội, đoàn thể, người lao động Khánh Vĩnh hiện nay cũng đã có ý thức tốt về làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn băn khoăn về cách trả lương theo kỳ của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống chi tiêu hàng ngày của gia đình. Bên cạnh đó, tâm lý ngại khó, khổ khi đi xa hay làm việc theo khuôn khổ, giờ giấc, nội quy của doanh nghiệp; trình độ, năng lực, tay nghề còn nhiều hạn chế cũng khiến người lao động chưa mặn mà. “Người lao động vẫn lo không biết làm việc cho các doanh nghiệp có ổn định không. Bởi cũng đã có doanh nghiệp đột ngột giải thể hay biến mất, không trả lương khiến họ gặp khó khăn”, ông Sung nói.


Hướng đi mới

 

Mới đây, tại buổi làm việc với xã Giang Ly, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Nếu đồng bào huyện Khánh Vĩnh không tạo bước đột phá thì không thể xóa nghèo. Tỉnh và huyện đang hướng cho người lao động Khánh Vĩnh làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Nếu 1 nhà có 1 - 2 lao động, mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng làm việc tại cụm công nghiệp sẽ giải quyết cơ bản tình trạng đói nghèo.

Hiện nay, chủ trương của Tỉnh ủy cũng như huyện Khánh Vĩnh là sớm đưa lao động nông nghiệp, nhất là lao động trẻ chuyển sang làm việc ở lĩnh vực phi nông nghiệp, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà gần nhất là Cụm Công nghiệp Sông Cầu đang triển khai.


Lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH huyện cho biết, đến nay, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp hay lao động phổ thông đều tập trung vào việc đào tạo nghề cơ bản, hầu hết là các nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, hàn, xây dựng, chế biến thủy sản, nấu ăn… Mỗi năm, Phòng LĐ-TB-XH ký kết với Trường Trung cấp Nghề đào tạo 170 - 200 học viên, Hội Nông dân đào tạo 100 - 150 học viên.  


Lãnh đạo huyện cũng đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa nhằm nắm bắt nhu cầu đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực khi Cụm Công nghiệp Sông Cầu đi vào hoạt động. Vừa qua, công ty đã có thông tin về nhu cầu đào tạo và tuyển dụng của 12 nhà đầu tư thứ cấp với nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao (kỹ sư, kỹ thuật viên) từ 170 - 180 người và lao động phổ thông 400 - 450 người.


Hy vọng với hướng đi mới, công tác giảm nghèo cũng như dịch chuyển lao động của huyện Khánh Vĩnh sẽ có những bước khởi sắc trong thời gian tới.


V.LẠC