11:03, 19/03/2018

Tranh chấp thừa kế tài sản tại thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh: 22 năm chưa kết thúc

Nguyên đơn cho rằng thửa đất ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang là di sản của 2 cố nội, còn bị đơn khẳng định đất của chú ruột được chính quyền cũ cấp. Sau 22 năm, qua các cấp xét xử, vụ tranh chấp lại quay về cấp sơ thẩm sau khi Tòa án nhân dân Tối cao hủy án.

Nguyên đơn cho rằng thửa đất ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang là di sản của 2 cố nội, còn bị đơn khẳng định đất của chú ruột được chính quyền cũ cấp. Sau 22 năm, qua các cấp xét xử, vụ tranh chấp lại quay về cấp sơ thẩm sau khi Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao hủy án.


Hai cháu nội tranh chấp lô đất


Vợ chồng ông Nguyễn Giản và Phạm Thị Kiên chết không để lại di chúc. Ông Giản và bà Kiên có 5 người con (đều đã chết) là: Nguyễn Ân (trưởng nam), Nguyễn Khải, Nguyễn Tôn, Nguyễn Thị Thúc và Nguyễn Thị Mười. Bị đơn Nguyễn Thanh Vân là con ông Nguyễn Ân. Nguyên đơn là con ông Nguyễn Khải. 

 

Năm 1996, ông Nguyễn Văn Cách (con ông Nguyễn Khải) khởi kiện cho rằng, cố Giản - Kiên chết không để lại di chúc. Tài sản để lại là căn nhà từ đường cấp 4 trên lô đất thổ cư thuộc thửa 550, 551 và một lô đất màu làm nghĩa địa thuộc thửa 439, 440 tại Phú Thạnh, Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Sau khi 2 cố chết, khối tài sản trên do vợ cụ Ân, cụ Mười, cụ Thúc quản lý. Năm 1963, cụ Tôn kê khai đứng tên. Năm 1993, ông Vân tự ý kê khai mà các thừa kế không biết và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ 2 lô đất trên. Ông Vân quản lý nhà, phần lớn lô đất thổ cư và toàn bộ lô đất màu nói trên. Cụ Mười và ông Nguyễn Thành Nông (con cụ Ân) làm nhà trên một phần diện tích thuộc lô đất thổ cư. Năm 1996, Nhà nước giải tỏa một phần đất để làm đường, cụ Mười và ông Vân được đền bù. Ông Cách khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế. Ông Cách chứng minh bằng lời khai của các đồng thừa kế, ngoài ra không có tài liệu khác.  


Về phần ông Vân, ban đầu thừa nhận đất của cố Giản - Kiên, nhưng từ năm 1997 lại thay đổi lời khai, cho rằng đất của cụ Tôn, được chế độ cũ cấp diện đất công thổ trường gia. Cố Giản - Kiên có được thừa kế đất của tổ tiên nhưng ở vị trí khác, đã bị Nhà nước thu hồi cấp lại cho 2 ông Nguyễn Nạy và Lê Văn Chính. Ông Vân được cụ Tôn giao đất từ năm 1972 và ở ổn định đến nay. Đất màu đã được hợp tác xã chia theo nhân khẩu cho gia đình ông theo tiêu chuẩn. Hiện nay, ông đã được cấp giấy chứng nhận. Ông không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn. Lý do ông Vân thay đổi lời khai vì hồi nhỏ sống cùng cha mẹ và hai cố nên nghĩ đất của cố, sau khi tra cứu sổ bộ cũ, thấy đứng tên cụ Tôn nên khai lại. Ông Vân cung cấp một số giấy tờ chứng minh như: xác nhận nguồn gốc đất công thổ trường gia của cụ Tôn của Thanh tra TP. Nha Trang và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Nha Trang, lược đồ giải thửa của Tổng nha Điền địa tỉnh lập năm 1962, xác nhận của xã, di chúc của thân sinh cố Giản - Kiên lập năm 1924…


Năm 2008, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm, xác định nhà đất tranh chấp là di sản của cố Giản - Kiên tạo lập, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và chia di sản này cho các đồng thừa kế, trong đó có ông Vân, ông Cách. Lần lượt 2 bản án phúc thẩm năm 2008 và năm 2014 của TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cơ bản thống nhất nhận định như TAND tỉnh, xác định nhà đất tranh chấp là di sản của cố Giản - Kiên tạo lập, chỉ thay đổi giá trị phần di sản của các đồng thừa kế và tính thêm giá trị công sức trông coi, quản lý, tôn tạo của ông Vân. Tuy nhiên, cả 2 bản án này đều đã bị TAND Tối cao tuyên hủy.

 

Căn nhà từ đường hiện nay ông Vân quản lý, sử dụng.

Căn nhà từ đường hiện nay ông Vân quản lý, sử dụng.

 

Có căn cứ xác định đất của ông chú bị đơn


Ngày 15-10-2015, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao đưa vụ án ra xét xử và nhận định:


Theo các tài liệu của Thanh tra TP. Nha Trang và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Nha Trang,  lô đất thổ (thửa 183, nay là thửa 550, 551) là đất công thổ trường gia do chế độ cũ cấp cho cụ Tôn. Sổ bộ ruộng đất (không rõ năm do đã cũ) kèm theo tờ bản đồ số 2 năm 1960 còn lưu trữ tại UBND TP. Nha Trang thể hiện cụ Tôn đứng tên trên thửa đất này, là đất công thổ trường gia. UBND xã Vĩnh Thạnh đã xác nhận đất công thổ trường gia là đất công, do chính quyền chế độ cũ cấp cho các hộ gia đình không có đất ở.


Về phần lời khai, tuy ban đầu ông Vân khai nhà đất tranh chấp của cố Giản - Kiên nhưng sau đó khai lại là nhà đất của cụ Tôn. Khoảng năm 1975, cụ Tôn cho ông Vân quản lý, sử dụng liên tục từ đó đến nay. Tương tự, vợ và các con cụ Tôn ban đầu xác định nhà đất của cố Giản - Kiên, nhưng sau đó xác nhận nhà đất của vợ chồng cụ Tôn. Năm 1975, vợ chồng cụ Tôn cho ông Vân để thờ cúng, không sang bán, cầm cố, thế chấp, phân chia làm của riêng.


Mặt khác, ông Lê Văn Chưng - Trưởng thôn Phú Thạnh khai, trước kia, cố Giản - Kiên có nhà đất thuộc các thửa 38, 39, 40, 41, 42 tờ bản đồ số 2 năm 1960 thôn Phú Thạnh. Sau khi cụ Tôn được cấp đất thì 2 cố dỡ nhà chuyển đến ở trên đất cụ Tôn được cấp; đất của 2 cố được đưa vào hợp tác xã, sau đó cấp cho 2 ông Nguyễn Nạy và Lê Văn Chính. Ông Nạy và ông Chính thừa nhận được hợp tác xã cấp đất năm 1987, không rõ nguồn gốc đất. 

 
Từ những căn cứ trên, có cơ sở xác định diện tích nhà đất các đương sự tranh chấp là của cụ Tôn, được chính quyền chế độ cũ cấp theo diện công thổ trường gia. Cụ Tôn đã quản lý sử dụng từ những năm 1960, đến năm 1975 giao cho ông Vân thờ cúng, không được sang bán, cầm cố, thế chấp, phân chia làm của riêng. Đối với nhà từ đường, gia đình cụ Tôn giao cho ông Vân quản lý thờ phụng nên đây là nhà thờ chung, không phải tài sản của ông Vân.


Với nhận định trên, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án phúc thẩm năm 2014 và bản án sơ thẩm năm 2008, giao TAND tỉnh xét xử sơ thẩm lại. Báo Khánh Hòa sẽ thông tin đến bạn đọc khi có kết quả xét xử sơ thẩm.


NGUYỄN BÌNH