09:10, 22/10/2017

Kiểm soát chặt chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe

Những năm gần đây, nhu cầu học lái xe mô tô, ô tô của người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng cao. Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người học. 

Những năm gần đây, nhu cầu học lái xe mô tô, ô tô của người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng cao. Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đào tạo, sát hạch, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở này.


Nhu cầu học lái ô tô tăng cao


Ông Lê Tánh - Trưởng phòng Vận tải và phương tiện người lái, Sở GTVT cho biết, khoảng 3 năm gần đây, nhu cầu học lái xe, đặc biệt là xe ô tô trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo thống kê, mức tăng bình quân năm của loại hình đào tạo, sát hạch đối với ô tô tăng hơn 20%, mô tô tăng từ 7 đến 10%.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trung tâm sát hạch lái xe các hạng. Trong đó, có 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô các hạng loại 1; 1 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, mô tô loại 2; 1 trung tâm loại 3 chỉ sát hạch lái xe mô tô hạng A1. Cùng với đó, toàn tỉnh có 11 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 5 cơ sở đào tạo lái ô tô và mô tô; 6 cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 ở các huyện, thị xã, thành phố. Theo lãnh đạo Sở GTVT, với hàng chục cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe như trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên hiện nay, do nhu cầu học lái ô tô tăng cao nên người học sau khi đăng ký thường phải chờ đợi ít nhất từ 1 đến 3 tháng mới có thể được sắp xếp lớp.


Trước nhu cầu tăng cao về số lượng người học lái xe, các trung tâm trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng ngày càng hoàn thiện, nâng cao. Xe sát hạch cũng được các trung tâm đầu tư hiện đại, phòng học đảm bảo đủ tiêu chuẩn, bến bãi, sa hình được đầu tư bài bản.


Ông Đặng Thanh Danh - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hồng Bàng cho biết, hiện nay, đơn vị thường xuyên có hơn 1.200 học viên các loại hình với gần 120 xe ô tô, trong đó có 80% là xe được trang bị mới. Do nhu cầu học lái xe ô tô tăng quá cao nên đối với người đăng ký hạng B2 phải sau 2 tháng và hạng C phải 3 tháng mới có thể sắp xếp được lớp học.

 

Cơ sở hạ tầng Trung tâm Sát hạch lái xe Thăng Long

Cơ sở hạ tầng Trung tâm Sát hạch lái xe Thăng Long

 

Kiểm soát chặt chất lượng

 

Theo thống kê của Sở GTVT, năm 2016, đơn vị đã cấp mới hơn 18.500 giấy phép lái xe các hạng (trong đó hơn 7.400 giấy phép lái xe ô tô); so với năm 2015, số lượng giấy phép lái xe tăng hơn 13%, trong đó số giấy phép lái xe ô tô tăng hơn 20%. Từ đầu năm đến nay, sở cấp mới hơn 12.700 giấy phép lái xe các hạng.

Theo ông Tánh, để kiểm soát chặt chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất các trung tâm. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các kỳ thi tốt nghiệp tại các trung tâm, không để xảy ra tiêu cực trong thi cử. Hiện nay, việc đổi mới trong thi cử, sát hạch lái xe theo hướng tự động, không thể can thiệp vào kết quả cũng góp phần nâng cao chất lượng sát hạch.    


Cùng với đó, đội ngũ giáo viên được các trung tâm chú trọng, bố trí những giáo viên có kiến thức, kinh nghiệm và uy tín giảng dạy. Đặc biệt, theo quy định lộ trình đến năm 2018, giáo viên giảng dạy phải có bằng trung cấp chuyên ngành lái xe. Hiện nay, các trung tâm đã rà soát và cho các giáo viên vừa giảng dạy vừa học tập để bảo đảm đủ chuẩn. Giáo viên khi lên lớp có giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng kế hoạch đào tạo, các môn học được chú trọng dạy đủ số tiết, nhất là môn pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe và thực hành lái xe. Bổ sung các bài giảng theo chương trình học, như: thêm bài đối với đào tạo lái xe số tự động, ghép xe ngang đối với hạng B1 và B2, đậu xe song song với bó vỉa hè… giúp học viên có thêm kỹ năng khi lái xe trong không gian chật hẹp và đông đúc.


Có thể nói, việc kiểm soát chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe cũng là một trong những giải pháp lâu dài, bền vững nhằm giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông.


MẠNH HÙNG