11:08, 20/08/2017

Cam Lâm: Xây dựng các tổ hội nghề nghiệp

Trong tháng 8, 2 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lần lượt ra mắt. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở của Hội Nông dân huyện.

Trong tháng 8, 2 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lần lượt ra mắt. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở của Hội Nông dân huyện.
 
2 tổ hội nghề nghiệp đầu tiên


Ngày 15-8, tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt chi hội thôn Phú Bình 1 (xã Cam Tân) chính thức ra mắt. Tổ gồm 5 thành viên. Với sự tham gia của các thành viên tổ hợp tác nuôi gà thả vườn Hùng Nguyện đang làm ăn khá ổn định, tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt chi hội thôn Phú Bình 1 có điều kiện phát triển ban đầu khả quan.

 

Ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân cho biết, tổ hợp tác nuôi gà thả vườn Hùng Nguyện được thành lập từ năm 2014, vốn góp 4.000m2 đất và 650 triệu đồng. Qua gần 3 năm hoạt động, tổ được hỗ trợ vay 85 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Hiện nay, có thành viên nuôi tới 5.000 con gà. Tính ra, mỗi năm, với 3 đợt nuôi, mỗi thành viên lãi trung bình 54 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều tổ hợp tác khác, khó khăn lớn nhất của tổ vẫn nằm ở khâu tiêu thụ. So với tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp cho phép tập hợp tất cả hộ nuôi nhỏ lẻ cùng ngành nghề, không hạn chế về địa bàn nên sinh hoạt hội sẽ thiết thực hơn.


Hội Nông dân xã Cam An Nam có chủ trương thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo, với 15 thành viên, dự kiến ra mắt ngày 25-8. Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã lý giải, vừa qua, giá heo sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của người nuôi. Nhưng về lâu dài, nuôi heo vẫn là ngành chăn nuôi chủ lực ở nông thôn. Vì vậy, tuy xã đang có 2 tổ hợp tác nuôi gà thả vườn và trồng mía hoạt động khá mạnh nhưng hội vẫn thống nhất thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo, qua đó tập hợp, huy động hội viên cùng khắc phục khó khăn và hỗ trợ nông dân. Với việc thành lập tổ hội nghề nghiệp này, Hội Nông dân xã có điều kiện làm việc với ngân hàng để khoanh nợ, khoanh lãi một thời gian cho các hộ đang nợ đọng. Qua đó, vừa giúp nông dân không đuối vốn, vừa giữ được một ngành chăn nuôi ở địa phương. Bên cạnh đó, hội tiếp tục khuyến cáo các hộ tìm cách tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh chuồng trại, giữ gìn cơ sở vật chất chờ điều kiện chăn nuôi thuận lợi, tạm thời tái đàn nhưng không tăng đàn.

 

Ông Nguyễn Văn Nguyện chăm sóc đàn gà thả vườn

Ông Nguyễn Văn Nguyện chăm sóc đàn gà thả vườn

 

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội


Ông Nguyễn Văn Nguyện, thành viên tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt chi hội thôn Phú Bình 1 chia sẻ, sau 4 năm nuôi gà, từ chỗ chỉ có vài chục con, bây giờ, gia đình ông đã có gần 300 con, trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Tuy vậy, thời gian qua, việc chăn nuôi còn đơn lẻ. Mặt khác, do thiếu vốn, giá tiêu thụ không ổn định… nên ông và nhiều người nuôi không dám mở rộng quy mô. Tham gia tổ hội nghề nghiệp, ông hy vọng sẽ tăng tính hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ, được hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, vốn. Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt chi hội thôn Phú Bình 1, các thành viên trong tổ sẽ thường xuyên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi…, qua đó hạn chế rủi ro, dịch bệnh, phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông Hùng và các thành viên đều mong mỏi được các cấp tạo điều kiện giúp nguồn vốn vay lâu dài và đầu ra ổn định.


Được biết, đối với tổ chức hội nông dân, khó khăn phổ biến là số lượng hội viên trong các chi, tổ hội phân theo địa bàn dân cư đông, do đó khó tập hợp hoạt động. Trong cùng một tổ chức hội ở cấp thôn, xã, các hội viên sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, các chi, tổ hội nông dân theo địa bàn dân cư khó xây dựng được nội dung sinh hoạt phù hợp cho mọi hội viên. Thực hiện chủ trương của Hội Nông dân Việt Nam, việc từng bước đổi mới mô hình chi, tổ hội theo địa bàn dân cư sang chi, tổ hội nghề nghiệp tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ tạo tiền đề thành lập hoặc hoạt động song song với các tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó đa dạng hóa mô hình tổ chức ở cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội nông dân.

 
Theo ông Lê Đức Tấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thành lập tổ hội nghề nghiệp là cần thiết nhưng quan trọng là phải duy trì bền vững. Muốn vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ tổ hội nghề nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêm phòng dịch bệnh, tìm đầu ra ổn định. Các tổ hội nghề nghiệp cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, năng động, sáng tạo để làm ăn có lãi. Hội Nông dân huyện sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, hội sẽ đẩy mạnh Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện, xã; ưu tiên đầu tư cho những tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả. Sau tổ hội nghề nghiệp ở xã Cam Tân và Cam An Nam, từ nay đến cuối năm, hội sẽ tiếp tục thành lập 8 tổ hội nghề nghiệp khác ở các xã, thị trấn: Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc, Cam Thành Bắc, Suối Tân, Suối Cát, Cam Đức.


TIỂU MAI - K.NGUYỄN