10:04, 16/04/2017

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Khu tái định cư (TĐC) Bố Lang (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được xây dựng để TĐC cho 142 hộ sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn xã. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển về đây sinh sống, thế nhưng sinh kế vẫn là nỗi lo thường trực của họ.

Khu tái định cư (TĐC) Bố Lang (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được xây dựng để TĐC cho 142 hộ sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn xã. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển về đây sinh sống, thế nhưng sinh kế vẫn là nỗi lo thường trực của họ.


Điều kiện sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ


Nằm bên chân đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, Khu TĐC Bố Lang với những dãy nhà cấp 4 mới xây xong còn thơm mùi vôi, mùi sơn, được bố trí ngay hàng thẳng lối như một khu phố nhỏ. Ở đây có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường nội bộ được đúc bằng bê tông chạy ngang dọc như ô bàn cờ; hệ thống điện chiếu sáng; nước sinh hoạt tự chảy. Ngoài ra, còn có nhà văn hóa rộng hơn 80m2 để người dân sinh hoạt vào những dịp cần thiết. Theo ông Nguyễn Minh Lợi - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Khánh Vĩnh, Khu TĐC Bố Lang được xây dựng để thực hiện TĐC bền vững cho 142 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất do mưa lũ dọc sông Cái thuộc thôn Giang Biên và các hộ khác ở rải rác trên địa bàn xã Sơn Thái. Đây là dự án định cư tập trung có quy mô lớn so với nhiều khu vực miền núi khác của tỉnh. Khu TĐC này được xây dựng trên 7,5ha, tổng vốn đầu tư gần 14,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và Trung ương. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đến nay, toàn bộ các hộ TĐC đã chuyển đến an cư ở đây. Được biết, mỗi hộ được nhận 240m2 đất; trong đó, diện tích nhà ở là 30,6m2 (gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, khu bếp và nhà vệ sinh khép kín). Đồng thời, khi chuyển về nơi ở mới, các hộ còn được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để ổn định cuộc sống.

 

Khu tái định cư Bố Lang
Khu tái định cư Bố Lang


Dự án Khu TĐC Bố Lang đưa vào sử dụng đã tạo cho người dân có nơi ở mới tốt hơn so với nơi ở cũ nên người dân rất phấn khởi. Vợ chồng ông Hà Thương, một trong những hộ mới chuyển về Khu TĐC vui mừng nói: “Trước đây, nhà mình ở thôn Giang Biên, ngay sát con suối, mùa mưa đất sạt lở vào gần nhà, sợ lắm! Bây giờ được Nhà nước làm cho nhà TĐC khang trang, điện, nước đầy đủ. 2 vợ chồng bảo nhau, có nhà rồi thì mình phải chịu khó làm lụng để lo cho con cái học hành, sau này đỡ khổ”.


Giải quyết sinh kế cho người dân


Tuy dự án Khu TĐC Bố Lang đã hoàn thành, nhiều gia đình đã chuyển về đây sinh sống nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo của người dân. Theo bà Cà Tam - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái, tuy nhà cửa khang trang, nhưng do quá trình lập dự án, cơ quan tư vấn không lấy ý kiến của người dân nên thiết kế nhà chưa phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của người dân, vì hầu hết các hộ về định cư đều thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng mua bếp gas để đun nấu; người dân quen sử dụng bếp củi nên không thể nấu trong nhà được. Chính vì vậy, khi chuyển đến ở, người dân phải làm thêm một cái chòi bên ngoài ngôi nhà để sử dụng làm nơi đun nấu hàng ngày.


Ngoài ra, điều mà người dân nơi đây cần nhất là sinh kế, cụ thể là đất sản xuất. Bởi đất sản xuất cũ của họ cách quá xa nơi ở mới. Ông Hà Bé, ở khu TĐC cho biết: “Nhà tôi có 9 khẩu, khi chuyển về đây thì không lo sạt lở nữa nhưng lại phải lo làm gì để sinh sống, diện tích được cấp ở khu TĐC này không đủ cho 9 nhân khẩu. Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện giao thêm đất cho gia đình sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài”.


Để giải quyết sinh kế cho người dân ở khu TĐC Bố Lang, thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tiến hành bóc tách 34ha đất rừng trên những sườn đồi phía sau khu TĐC để giao cho người dân canh tác. “Hiện tại, diện tích đất bóc tách đã được cắm mốc và bàn giao cho xã. Chúng tôi đang tổ chức họp dân, rà soát để nắm chính xác nhu cầu về đất sản xuất của từng hộ; đồng thời, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cắm mốc để giao đất cho từng hộ trong thời gian sắp tới”, bà Cà Tam cho biết.


Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, người dân Khu TĐC Bố Lang đã an cư nhưng chưa lạc nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc bóc tách đất để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất thì cần đẩy mạnh chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho người dân. Sơn Thái là điểm dừng chân của du khách trên tuyến du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng nên cần tận dụng lợi thế này để giải quyết một phần việc làm cho người dân tại các điểm dừng chân hay khai thác văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo ngành nghề truyền thống của địa phương để làm quà lưu niệm cho du khách…


NAM ANH - BÍCH LA