10:03, 20/03/2017

Một cộng tác viên dân số tích cực

Hơn 10 năm làm cộng tác viên dân số, chị Bo Bo Thị Cúc (sinh năm 1988, ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định nhờ công tác vận động giảm sinh.

Hơn 10 năm làm cộng tác viên dân số, chị Bo Bo Thị Cúc (sinh năm 1988, ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định nhờ công tác vận động giảm sinh.


Chị Cúc làm nhân viên y tế thôn bản, kiêm cộng tác viên dân số ở thôn Xà Bói từ khi mới 18 tuổi. Đây là địa bàn đông dân cư của xã với đặc điểm địa hình rộng, người dân sống không tập trung và nhận thức còn hạn chế. Từ nhỏ đã chứng kiến cảnh cả làng ai cũng sinh đông con, cuộc sống khó khăn, trẻ em phải bỏ học theo bố mẹ đi làm nương rẫy, vì thế chị quyết tâm tìm hiểu kiến thức để vận động người dân giảm sinh. Ban đầu chị gặp rất nhiều khó khăn vì chị còn trẻ, lại phải lặn lội đường xa mỗi tối đến nhà người dân để vận động, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Chị còn lên tận rẫy xa hướng dẫn người dân trồng rừng, chăn nuôi, đồng thời phân tích cho họ biết lợi ích của việc giảm sinh, khám phụ khoa định kỳ, sinh đẻ tại trạm y tế để tránh nguy hại cho mẹ và con. Đối với các hộ gia đình khó tiếp cận, chị phải tìm đến già làng, trưởng thôn để cùng vận động, thuyết phục. Chị phối hợp với Đoàn Thanh niên vận động các em vị thành niên thanh niên, tham gia sinh hoạt đoàn, giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, hiểu được kiến thức cơ bản về tình yêu lành mạnh, hôn nhân và gia đình, tâm sinh lý lứa tuổi. Nhờ vậy, năm 2016 chị đã ngăn chặn được 4 trường hợp có nguy cơ tảo hôn. “Muốn người dân nghe mình và làm theo thì phải gần gũi, hiểu được khó khăn của họ, giúp đỡ họ, đặc biệt phải là người có uy tín”, chị Cúc nói.

 

Chị Cúc (thứ 2 từ phải sang) đang tuyên truyền giảm sinh cho người dân tại nhà
Chị Cúc (thứ 2 từ phải sang) đang tuyên truyền giảm sinh cho người dân tại nhà


Chị Cao Thị Nga (thôn Xà Bói) cho biết, chị đã có 2 con trai, đang dự định sinh thêm thì chị Cúc đến vận động, thuyết phục không nên sinh nữa để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Chị Cúc phân tích có lý có tình nên vợ chồng chị nghe theo. Bây giờ, cuộc sống gia đình chị rất ổn định nhờ phát triển kinh tế theo hướng trồng rừng chăn nuôi kết hợp. Em Cao Thị Diễm (sinh năm 2001, ở thôn Xà Bói) cũng cho hay, em đã có bạn trai và định kết hôn. Biết chuyện, chị Cúc đến gặp bố mẹ em giải thích như thế là vi phạm pháp luật về tảo hôn; đồng thời khuyên em tiếp tục đi học để có tương lai, giữ gìn tình cảm trong sáng đến tuổi trưởng thành mới kết hôn. Nhờ vậy, em đã không bỏ lỡ việc học. Chị Cao Thị Nhiệu, cán bộ chuyên trách dân số xã Sơn Hiệp cho biết, chị Cúc là cộng tác viên tích cực, tuy trẻ nhưng luôn chịu khó, đóng góp nhiều ý kiến hay, thường trao đổi thẳng thắn với cán bộ chuyên trách những vấn đề chưa hợp lý hoặc giải pháp tuyên truyền phù hợp với địa phương để thực hiện có hiệu quả.


Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, thôn Xà Bói có 145 hộ với 454 khẩu, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai cao, lên tới 75%. Năm 2016, thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, không có trường hợp tảo hôn. Đó là nhờ sự nhiệt tình và tâm huyết của chị Bo Bo Thị Cúc. Chị đã giúp người dân trong thôn giảm sinh, có cuộc sống ổn định hơn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã xuống còn 12,9%. Ghi nhận những thành tích và sự cố gắng của chị Cúc, năm 2016, chị được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tặng bằng khen.


L.K