05:10, 17/10/2016

Học sinh vi phạm an toàn giao thông: Cần thay đổi từ nhận thức

Tuy các cấp, ngành trên địa bàn TP. Nha Trang đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Tuy các cấp, ngành trên địa bàn TP. Nha Trang đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh (HS) vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.


Vi phạm phổ biến


Trên các tuyến đường, nơi có các trường học đóng chân, tình trạng HS vi phạm ATGT không phải là hiếm. Đặc biệt, vẫn còn nhiều HS sử dụng xe máy. Để lách quy định của nhà trường, các em đều gửi xe máy tại các hộ xung quanh trường. Trên các đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Yersin…, vào giờ tan học không khó bắt gặp hình ảnh HS đi dàn hàng ba, hàng bốn, khiến nhiều người điều khiển xe máy, ô tô phải dừng lại nhường đường.

 

Học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chưa đăng ký
Học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chưa đăng ký


Hiệu trưởng của một trường THPT chia sẻ, HS và phụ huynh đều biết quy định cấm HS đi xe máy đến trường, nhưng có chấp hành hay không lại là một chuyện khác. Nhà trường chỉ kiểm soát được khi các em đưa xe vào trường, còn việc các em gửi xe ở ngoài rất khó kiểm soát. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em không đi học bằng xe máy nhưng đâu vẫn vào đấy; còn các bậc phụ huynh thì có rất nhiều lý do để cho con em mình đi xe máy tới trường.


Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang, từ đầu tháng 9 đến nay, qua tuần tra kiểm soát, đơn vị đã xử lý 39 trường hợp HS vi phạm ATGT. Lỗi vi phạm chủ yếu như: không đội mũ bảo hiểm; đi xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi; không chấp hành hệ thống tín hiệu đèn giao thông; chở quá số người quy định… Trung tá Nguyễn Sĩ Hồng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết: “Đây chỉ là số liệu qua kiểm tra trong một thời gian ngắn. Trên thực tế, tình trạng HS vi phạm ATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là HS THPT”.


Trao đổi về những khó khăn trong công tác xử lý HS vi phạm, Trung tá Nguyễn Sĩ Hồng cho biết: “Đối với HS đi xe máy khi chưa đủ tuổi, theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt thấp hơn người vị thành niên, đó là chỉ phạt cảnh cáo. Riêng những trường hợp từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi tham gia giao thông vi phạm ATGT thì không có chế tài xử lý, chỉ nhắc nhở, giáo dục nên các em có phần còn lơ là, chủ quan”.


Nâng cao ý thức cho học sinh


Theo Trung tá Nguyễn Sĩ Hồng, để giải quyết triệt để tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất không phải là tăng nặng hình phạt mà là sự thay đổi nhận thức của HS. Chỉ khi HS hiểu rõ hành vi vi phạm của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính bản thân, gia đình và xã hội thì các em mới có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ.


Chính vì thế, để nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATGT đối với HS cần nêu cao trách nhiệm từ nhà trường, gia đình và xã hội. Trước hết, nhà trường cần coi trọng công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với HS, coi đây là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức cho HS. Bên cạnh đó, phụ huynh cần gương mẫu, quan tâm hơn đến việc giáo dục ý thức pháp luật về ATGT cho con em mình. Cụ thể, không nên cho con em mình đi học bằng xe mô tô, xe máy; nhắc nhở các em khi ngồi lên xe mô tô, xe máy, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm…


Thực tế, thời gian qua, lực lượng CSGT, các trường học đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; gửi thông báo về các trường học khi có HS vi phạm và nhà trường cũng đã có hình thức kỷ luật nhưng tình trạng HS vi phạm ATGT vẫn còn diễn ra. “Thời gian tới, cùng với việc phối hợp với nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi cách tuyên truyền để các em dễ nhớ, dễ hiểu, đội sẽ tăng cường các chuyên đề tuần tra kiểm soát tập trung nhắc nhở và kiên quyết xử lý các HS vi phạm, nhất là những HS tái phạm”, Trung tá Nguyễn Sĩ Hồng nói.


K.H