11:08, 18/08/2015

Ninh Hòa thực hiện tốt chính sách an sinh

Những năm qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Những năm qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.


Triển khai kịp thời,  hiệu quả


Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách ASXH nên đời sống của người dân trên địa bàn từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, chính quyền và nhân dân thị xã luôn chú trọng công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Trong đó, địa phương quan tâm giải quyết nhanh chóng hồ sơ cho người có công để họ sớm được hưởng đầy đủ chế độ chính sách. Hiện nay, 4.041 người có công với cách mạng của thị xã đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, thị xã đều tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho người có công với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng/năm. Từ năm 2010 đến nay, địa phương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 256 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng; vận động được 2,1 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”...

 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn  tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa


Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được thị xã chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.214 lao động nông thôn, qua đó hơn 80% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định. Bằng các chính sách liên kết, trung bình mỗi năm, thị xã tạo việc làm mới cho 4.500 người, vượt 12,5% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Tỷ lệ người được đào tạo nghề có việc làm thường xuyên trong độ tuổi lao động đạt 58,66%, vượt 11,66% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.


Trong công tác giảm nghèo, từ năm 2010 đến nay, toàn thị xã đã giảm hơn 3.000 hộ nghèo. Thị xã đã triển khai kịp thời các chính sách đặc thù trong hỗ trợ về bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục, đất sản xuất... cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi, thị xã đã cho 950 hộ nghèo vay vốn hơn 38 tỷ đồng và 4.450 hộ cận nghèo vay hơn 77 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả, hiện nay chỉ còn 1.700 hộ nghèo. Cùng với đó, hàng năm, thị xã đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 6.700 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng/năm; tổ chức phẫu thuật thành công cho 180 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật mắt, chân, tay. Thị xã cũng thực hiện kịp thời công tác cứu trợ xã hội đột xuất khi có thiên tai, hạn hán, giáp hạt...


Tiếp tục thực hiện đồng bộ


Thời gian tới, thị xã sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác ASXH. Cụ thể, theo ông Thạnh, đó là thường xuyên điều tra, rà soát để nắm được nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo, nguyện vọng của đối tượng nghèo; xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn hỗ trợ nhằm làm chuyển biến cơ bản, vững chắc về giảm nghèo. Đặc biệt, địa phương chuyển đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Các chính sách giảm nghèo tập trung vào việc hỗ trợ nguồn lực về sản xuất để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về đời sống và tiếp cận dịch vụ xã hội; kịp thời giải quyết hồ sơ, chi trả đầy đủ, đúng chế độ ưu đãi cho người có công.


Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường giúp người dân chuyển đổi nghề, tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định; vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, tạo việc làm cho lao động tại chỗ; lồng ghép chương trình kế hoạch đào tạo nghề, giảm nghèo, giải quyết việc làm với các chương trình, dự án khác nhằm tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc làm trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động... nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe người lao động.


Ngoài ra, ông Thạnh cho biết, địa phương sẽ phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, hưu trí, thất nghiệp và tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao tính chủ động, khả năng tự an sinh khi xảy ra các tác động bất lợi về kinh tế - xã hội, môi trường và an sinh tuổi già. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng, điều chỉnh chuẩn và nâng mức hưởng; xây dựng mức sống tối thiểu, bảo đảm mọi người dân có mức sống dưới mức tối thiểu đều được hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ toàn diện đối với người cao tuổi, trẻ em, người bị khuyết tật; đổi mới quản lý nhà nước trên cơ sở thống nhất các chương trình, chính sách ASXH...


VĂN GIANG