11:08, 31/08/2015

Đẩy lùi nạn khai thác san hô trái phép

Những năm trước, khai thác san hô trái phép từng là vấn nạn ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), khiến cho hệ sinh thái ven bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những năm trước, khai thác san hô trái phép từng là vấn nạn ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), khiến cho hệ sinh thái ven bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau một thời gian kiên quyết xử lý, đến nay, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã đẩy lùi được tình trạng này. 

 
Cũng như một số địa phương khác trong tỉnh, tình trạng khai thác san hô trái phép ở xã Vạn Hưng diễn ra từ rất lâu. Đặc biệt, đầu những năm 2000, khi phong trào nuôi tôm rộ lên, nhiều hộ đã tận dụng san hô trong quá trình cải tạo ao đìa làm bờ bao và bán để nung vôi. Lúc này, hoạt động khai thác san hô trái phép ngoài biển cũng bắt đầu “nóng”. Nhiều người thay vì khai thác thủy sản ven bờ đã chuyển sang khai thác san hô làm nghề mưu sinh chính. Ông Hoàng Văn Lâm (thôn Xuân Đông) cho biết: “Khi san hô được dùng để nung vôi hay dùng làm cảnh, người dân trong và ngoài địa phương đua nhau khai thác. Từng đoàn thuyền đến khu vực Rạn Trào và những vùng lân cận để đào san hô. Nhiều vùng san hô bị khai thác gần như trống trơn, phía nam Rạn Trào đã thành rạn san hô chết. Việc khai thác san hô trái phép đã để lại những hố sâu từ 5 đến 7m; các bãi bồi ven biển cũng bị cày xới. Cũng vì nạn khai thác san hô trái phép mà cảnh quan sinh thái ven bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian dài, tôm cá cứ ít dần, hàng trăm hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản ven bờ bắt đầu làm ăn sa sút...”.

 

Bãi tập kết san hô ở thôn Xuân Đông vẫn còn nhưng không nhiều như trước đây
Bãi tập kết san hô ở thôn Xuân Đông vẫn còn nhưng không nhiều như trước đây


Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, khoảng năm 2008, nhiều đối tượng là người địa phương sử dụng phương tiện như: máy múc, ghe thuyền, xe tải để khai thác, vận chuyển san hô trái phép cả ngày lẫn đêm. Khi thấy lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, các đối tượng chuyển sang vận chuyển lén lút vào ban đêm và sẵn sàng cản trở, chống đối, thậm chí tấn công lại lực lượng chức năng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng đã xử phạt nghiêm nhiều trường hợp vi phạm nên nạn khai thác san hô tạm lắng. Đến năm 2011, khi phong trào sử dụng san hô để chế tác hòn non bộ và ghép cây cảnh rộ lên, nạn khai thác san hô tái diễn. Khi đó, lực lượng chức năng và địa phương đêm nào cũng đi tuần để xử lý các đối tượng vi phạm...


Đứng trước thực trạng khai thác san hô trái phép tái diễn rầm rộ, UBND xã Vạn Hưng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không khai thác san hô; thành lập tổ công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các đối tượng khai thác; phối hợp với các lực lượng chức năng cùng tham gia xử lý đối tượng vi phạm. Cùng với công tác tuần tra, xử lý, chính quyền địa phương còn vận động các đối tượng vi phạm ký cam kết không tái phạm; tổ chức họp dân, các chủ ô tô, tàu thuyền làm cam kết không tham gia hoạt động khai thác san hô...


Đến xã Vạn Hưng bây giờ, chúng tôi không còn bắt gặp cảnh vận chuyển san hô trái phép; những bãi tập kết san hô ở thôn Xuân Đông chỉ còn vết tích cũ. Ông Nguyễn Tiến - người nuôi ốc hương gần bến tập kết san hô trước đây ở thôn Xuân Đông kể: “2 - 3 năm trở lại đây, phần vì nguồn san hô đã bị cạn kiệt, phần vì nhu cầu thị trường ít, đặc biệt là những người khai thác, vận chuyển san hô bị phạt rất nặng nên không ai làm nữa”.


Theo thống kê của UBND xã Vạn Hưng, từ đầu năm đến nay, tại địa phương chỉ có 1 trường hợp vận chuyển san hô trái phép quy mô nhỏ bị phát hiện và xử lý nghiêm. Số lượng này giảm hẳn so với 6 tháng đầu năm 2011: phát hiện 7 xe vận chuyển san hô trái phép bị xử phạt 57 triệu đồng; 1 máy đào bị xử phạt 9 triệu đồng; 48m3 san hô bị tịch thu... Bà Trần Thị Thu cho biết: “Hiện nay, việc khai thác san hô trái phép trên địa bàn đã giảm hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng lén lút khai thác với khối lượng nhỏ chủ yếu để làm bẫy nhữ tôm hùm con. Để bảo vệ các rạn san hô, địa phương quyết tâm xử lý rốt ráo tình trạng này trong thời gian tới. Ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, địa phương sẽ phối hợp triển khai tốt mô hình đồng quản lý nghề cá ở địa phương, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ hệ sinh thái ven biển, trong đó có bảo vệ các rạn san hô”.


ANH TUẤN - BÍCH LA