09:08, 28/08/2014

Chợ Đại Lãnh xuống cấp

Chợ Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm ở vị trí giao thương huyết mạch và cũng là ngôi chợ duy nhất phục vụ gần 12.000 người dân trong xã.

Chợ Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm ở vị trí giao thương huyết mạch và cũng là ngôi chợ duy nhất phục vụ gần 12.000 người dân trong xã. Tuy nhiên, qua gần 30 năm hoạt động, chợ ngày càng xuống cấp. Chỉ qua một trận mưa đêm, toàn bộ nước thải của khu vực chợ cũng như khu dân cư gần đó tràn ra đường, bốc mùi hôi thối. Chợ có diện tích khoảng 500m2, bày bán đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, mũ nón, thủy hải hản đến hàng ăn. Các mặt hàng bày la liệt, trên sạp, dưới đất, giữa lối đi khiến không gian chợ đã chật chội càng thêm ngột ngạt.

 

Chợ Đại Lãnh vừa chật vừa xuống cấp.
Chợ Đại Lãnh vừa chật vừa xuống cấp.


Tiểu thương Nguyễn Thị Vân chia sẻ, chợ có khuôn viên nhỏ, chật hẹp, các sạp lại san sát nhau, 4 bức tường vây bọc đã hoen ố, mục nát; rác thải 2 ngày mới thu gom một lần nên họp chợ xong là rác chất đống một chỗ, mùi hôi nồng nặc. Còn tiểu thương Lê Thị Luận cho biết: “Chợ không có rãnh thoát nước nên hễ mưa là ngập, làm sao buôn bán được? Chưa kể nước dột tứ tung nên chúng tôi phải căng bạt che, khổ sở vô cùng. Rất mong chính quyền nâng cấp hoặc xây mới chợ để chúng tôi buôn bán thuận lợi hơn, người mua cũng đỡ vất vả”.


Theo ông Trần Đình Thú, Chủ tịch UBND xã, chợ Đại Lãnh hiện có khoảng 40 tiểu thương hoạt động kinh doanh, trung bình hàng ngày có khoảng 30 hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên quy tụ buôn bán. Quy mô chợ nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu mua - bán trong xã và trải qua mấy chục năm, chợ đã bị hư hại, xuống cấp. Trước tình hình đó, xã đã chủ động xây dựng phương án di dời chợ đi nơi khác có diện tích lớn hơn để người dân thuận lợi buôn bán. Theo đó, chợ mới sẽ được thi công trong khu tái định cư của xã với diện tích hơn 3.800m2. Các hạng mục công trình được quy hoạch khá đầy đủ từ phân khu mua bán, sân gửi xe cho tới hệ thống phòng, chống cháy nổ... “Trăn trở hiện nay của chúng tôi là chờ các dự án thi công qua địa phận xã như Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Dự án liên tục điều chỉnh nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh theo. Quỹ đất của xã ít, chủ yếu để phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định là sẽ xây mới chợ tại khu tái định cư để bà con buôn bán. Còn thời gian và cách thức thực hiện như thế nào thì phải chờ các dự án hoạt động ổn định, chúng tôi mới chốt được phương án thi công” - ông Thú cho biết thêm.


THÀNH NAM - VĂN GIANG