11:02, 08/02/2014

"Lộc biển" mùa xuân

Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, nhiều tàu cá đã trở về mang theo "lộc biển". Trong khi đó, hàng trăm tàu cá khác đã đồng loạt "mở biển" bắt đầu cho mùa cá mới. Tuy vậy, nhiều ngư dân vẫn không khỏi trăn trở.

Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, nhiều tàu cá đã trở về mang theo “lộc biển”. Trong khi đó, hàng trăm tàu cá khác đã đồng loạt “mở biển” bắt đầu cho mùa cá mới. Tuy vậy, nhiều ngư dân vẫn không khỏi trăn trở.


Đồng loạt “mở biển”

Từ mùng 4 Tết, Cảng cá Hòn Rớ nhộn nhịp với những chuyến tàu cá vào ra. Vừa trở về đất liền, tàu câu cá ngừ đại dương KH 96635 của anh Trần Văn Tài, ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, nhanh chóng bốc cá bán cho các chủ nậu để bạn tàu về ăn Tết muộn. Ra đi từ đầu tháng Chạp, đón giao thừa trên biển, trở về đất liền ngày mùng 4 Tết, tàu của anh Tài thu được 35 con cá ngừ từ vùng biển Trường Sa, con lớn nhất lên đến 90kg, con nhỏ cũng gần 40kg. Cá ngừ được bán với giá 90.000 đồng/kg, tàu anh Tài thu về được gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn được chia gần 4 triệu đồng. “Anh em đi biển cả tháng, có số tiền này cũng sẽ giúp trang trải các chi tiêu khi ra Tết” - anh Tài cho biết khi đang chia tiền cho ngư dân đi bạn.

 

 Cá ngừ đại dương về Cảng Hòn Rớ vào dịp Tết.
Cá ngừ đại dương về Cảng Hòn Rớ vào dịp Tết.


Tàu câu cá ngừ đại dương mang số hiệu KH31046TS của ông Nguyễn Văn Long (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) cũng vừa trở về sau hơn 25 ngày bám biển Trường Sa với gần 3 tấn cá ngừ đại dương. Sau khi trừ chi phí, tàu ông lãi ròng hơn trăm triệu đồng. Mỗi bạn thuyền được chia hơn chục triệu đồng để lo cho gia đình một cái Tết muộn. “Với những người đi biển “hai năm” như chúng tôi, lúc tàu cập cảng chính là những ngày đầu năm mới. Tết tuy muộn nhưng chuyến biển này tàu đạt sản lượng, giá bán cũng tương đối cao, nên Tết Giáp Ngọ này là cái Tết đầm ấm của ngư dân chúng tôi”, ông Long chia sẻ.


Trong khi đó, các tàu hành nghề mành xúc cá cơm cũng thu được “lộc biển” đầu năm. Đã 3 năm, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Nam Trung bộ mới xuất hiện luồng cá cơm với mật độ dày như hiện nay. Anh Trương Thanh Long, chủ tàu cá KH 98525 TS cho biết, tàu xuất bến từ ngày mùng 4 Tết, mỗi ngày bắt được khoảng 300 giỏ cá cơm khoảng 6 tấn,  bán được hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí còn thu về được 35 triệu đồng mỗi chuyến. “Chúng tôi đánh nhanh sau đó cập bờ để bán cho người ta làm mắm, rồi lại lấy dầu, thực phẩm để tiếp tục ra khơi. Đầu năm mà gặp luồng cá như vậy là hy vọng năm nay đánh bắt nhiều” - anh Long tâm sự.


Vừa trở về sau những chuyến biển đầu năm, ngư dân Lê Quốc Thiên (tàu KH 98686 TS) phấn khởi cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết là tàu lại xuất hành. Năm nay, do đang rộ cá cơm nên chúng tôi đã vươn khơi được 2 chuyến. Chuyến nào cũng “hái” được nhiều lộc biển. Hy vọng năm Giáp Ngọ sẽ là năm đầy may mắn đối với ngư dân, bởi ngay từ đầu năm chúng tôi đã đánh được mẻ cá lớn”. Vừa nói anh vừa cùng bạn tàu kéo từng thùng cá cơm lên cảng để bán cho thương lái. Chuyến biển này (chỉ 1 ngày đêm), tàu anh khai thác được hơn 5 tấn cá cơm; với giá bán 8.000 đồng/kg, sau khi trừ phí tổn, lãi ròng hơn 30 triệu đồng, mỗi bạn thuyền được chia hơn 1,5 triệu đồng.

 

Cá ngừ đại dương về Cảng Hòn Rớ vào dịp Tết. Ảnh: ĐỨC BÌNH
Được mùa cá cơm đầu năm.


Gặp chúng tôi trên bến cảng, ông Nguyễn Văn Thịnh - nhân viên điều độ Cảng Hòn Rớ cho hay, năm nay nhiều ngư dân đã xuất hành từ ngày mùng 1 Tết; trung bình mỗi ngày Cảng Hòn Rớ đón gần 30 tàu cập cảng, mỗi tàu khai thác được gần 2 tấn cá cơm, có tàu được 5 - 6 tấn. Trong 8 ngày Tết đã có 3 tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng, sản lượng tương đối cao. Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình thủy sản tỉnh cho biết, mới đầu năm nhưng 6 cảng cá trải dọc các địa phương ven biển: Đại Lãnh, Ninh Hải, Vĩnh Lương, Cửa Bé, Hòn Rớ, Đá Bạc đều tấp nập cảnh tàu cá vào - ra. Khi tàu về cập bến, Ban quản lý các cảng đã sắp xếp để ngư dân nhanh chóng bốc hàng. Sau đó, bố trí khu neo đậu để ngư dân tiếp tục bốc đá, lấy dầu, chuẩn bị lương thực thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm.


Vẫn còn trăn trở

 

Chiều 7-2, Đại tá Ngô Văn Cải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa - Vùng 4 Hải quân) cho biết trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các âu tàu Song Tử, âu tàu Đá Tây và lòng hồ Tốc Tan có 10 tàu cá với 160 ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ cập vào neo đậu. “Ngoài việc cung cấp nước ngọt, xăng dầu, thuốc chữa bệnh cho ngư dân, bộ đội trên các đảo còn chia sẻ với ngư dân bánh chưng, mứt, bánh kẹo Tết, để cùng nhau đón một cái Tết đầm ấm giữa biển khơi” - Đại tá Cải cho biết.

Trở về, bán cá vào dịp đầu năm nhưng nhiều chủ tàu cá ngừ đại dương lại không vui. Anh Trần Văn Tài, cho biết khi rời cảng, giá cá ngừ đại dương đang dao động từ 110.000 đến 120.000 đồng mỗi kg. Khi tàu trở về vào dịp Tết, giá chỉ còn 90.000 đồng, mỗi kg cá mất từ 20.000 đến 30.000 đồng, tính sơ bộ tàu anh đã mất từ 40 đến 60 triệu đồng. Đã vậy, còn rất khó bán vì các chủ nậu đưa ra lý do ngày Tết, lượng hàng chưa đủ chuyến bay. “Ngư dân cứ biết đánh bắt, đánh bắt xong vô thỏa thuận giá, nhận tiền mới biết được bao nhiêu nên rất bấp bênh. Mới đầu năm mà chủ nậu ép quá” - Anh Tài tâm sự.  Còn ông Trần Văn Đạt, một chủ tàu vừa cập bến cũng cho biết, đợt đi biển vừa qua, sau khi chia tiền, tính bình quân mỗi ngày công của anh em đi bạn chỉ được 100.000 đồng/ người.


Cái khó ló cái khôn. Ngư dân Nguyễn Văn Hào, chủ tàu KH 94079, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang có tàu rời Cảng Hòn Rớ vào ngày mùng 4 Tết cho biết anh vừa mua sắm thêm lưới, ngư cụ để đánh bắt cá cơm vào đầu vụ. Vào khoảng tháng 4, khi hết mùa cá cơm anh sẽ chuyển sang câu cá ngừ đại dương. “Mình phải linh động. Mùa này đang có cá cơm, thời gian đánh ngắn chỉ từ 3 - 5 ngày, lại nhanh thu hồi vốn. Khi hết mùa cá cơm tôi lại chuyển sang câu cá ngừ đại dương nhưng sẽ đầu tư thêm máy móc để vươn xa hơn” - anh Hào chia sẻ.


Được biết quý II/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đầu tư xây dựng một chợ đấu giá cá ngừ tại Cảng cá Hòn Rớ nhằm giúp ngư dân chủ động bán cá. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực như: đầu tư đóng mới, hiện đại hóa tàu khai thác cá ngừ, tàu dịch vụ thu mua cá trên biển bằng vỏ thép hoặc vật liệu mới; thí điểm quản lý xuất khẩu cá ngừ đại dương bằng hạn ngạch... 
Còn theo Tiến sĩ Trần Đức Phú, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết, thực tế việc mua - bán cá ngừ đại dương cũng như hải sản sau khai thác hiện nay vẫn chủ yếu là tự phát. Vì thế, ngư dân rất dễ bị ép giá nhất là khi lượng cá về nhiều, chưa kể nhiều ngư dân do thiếu vốn nên phải “tạm ứng” hay vay các chi phí ra khơi của chủ nậu sau đó về bán cá trả nên dẫn đến “thiệt đơn, thiệt kép”. Chính vì vậy, ngư dân đang rất cần Nhà nước xây dựng chợ đấu giá cũng như quy định giá sàn thì mới có thể hy vọng về tương lai bền vững của nghề cá ngừ đại dương. Mặt khác, sở dĩ cá giá thấp, dễ bị ép còn một phần do chất lượng cá ngừ, đặc biệt là công đoạn bảo quản sau khai thác chưa đảm bảo. “Vấn đề cá ngừ cũng như khai thác thủy sản, ngoài giá cả còn rất nhiều yếu tố như công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản. Vì vậy, ngư dân rất cần Nhà nước quan tâm đầu tư nghiên cứu tìm giải pháp cũng như hỗ trợ” - Tiến sĩ Phú kiến nghị.


Đức Bình - Bích La