04:12, 09/12/2013

Tập trung triển khai có hiệu quả nghề công tác xã hội

Hiện nay, nhu cầu về an sinh xã hội đang gia tăng, đòi hỏi có một lực lượng làm nghề công tác xã hội. Tuy nhiên, xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng về nghề công tác xã hội và vai trò của nghề này trong cuộc sống.

Hiện nay, nhu cầu về an sinh xã hội đang gia tăng, đòi hỏi có một lực lượng làm nghề công tác xã hội (CTXH). Tuy nhiên, xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng về nghề CTXH và vai trò của nghề này trong cuộc sống. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về vấn đề này.


- Nhiều người quan niệm nghề CTXH là đi làm tình nguyện, giúp người nghèo trong xã hội, như vậy có đúng không, thưa ông?


- Những hành động trên là đáng quý, cần phát huy trong xã hội. Tuy nhiên, đứng về góc độ nghề nghiệp thì đây chưa phải là nghề CTXH. Nghề CTXH được hình thành nhằm hỗ trợ các cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề phát sinh, giúp hòa nhập bền vững. Nghề này thâm nhập vào nhiều “lát cắt” của cuộc sống như: Bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các gia đình bị mâu thuẫn, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ người khuyết tật... Trên thế giới, nghề này đã phát triển hơn 100 năm. Tại Việt Nam, nghề CTXH được biết đến trong 10 năm gần đây. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (gọi là Đề án 32), tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nghề CTXH tại Việt Nam.


Để thực hiện có hiệu quả Đề án 32, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả nghề CTXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của nghề CTXH; đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, cùng với công tác tuyên truyền là xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp; đến cuối năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên CTXH không chuyên trách; đào tạo nghề CTXH cho 195 người; tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho khoảng 885 cán bộ, công chức, viên chức/năm; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ CTXH, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 trung tâm bảo trợ xã hội đặt tại các huyện, thị xã, thành phố và tạo điều kiện phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập; xây dựng thí điểm 1 trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng số lượng viên chức, nhân viên CTXH; đến cuối năm 2020, mỗi xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên và 1 cộng tác viên CTXH; đào tạo nghề CTXH cho 205 viên chức, nhân viên đảm bảo trình độ từ trung cấp trở lên; nâng cao năng lực thực hiện CTXH cho khoảng 965 người/năm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghề CTXH và cung cấp dịch vụ CTXH…

 Ông Mai Xuân Trí.
Ông Mai Xuân Trí.


- Theo ông, việc hình thành và mở rộng nghề CTXH có ý nghĩa như thế nào đối với người dân?


- Số liệu điều tra cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ CTXH chuyên nghiệp. Ước tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 475.300 người cần sự hỗ trợ dịch vụ CTXH (bao gồm cả đối tượng cần hỗ trợ thường xuyên và không thường xuyên).


Do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và những tác động của quá trình đổi mới dẫn đến thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng; tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư từ nông thôn ra đô thị; sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có một đội ngũ CTXH chuyên nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người với người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại.


- Thưa ông, hiện nay, việc phát triển nghề CTXH gặp những trở ngại gì?


- Trong quá trình thực hiện đề án đã gặp phải một số khó khăn nhất định như: Kinh phí bố trí cho đề án còn ít; lực lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên làm CTXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, nhận thức của một số cấp, ngành và người dân còn chưa hiểu nhiều về ngành CTXH, người làm CTXH…; mạng lưới tổ chức dịch vụ CTXH chưa hoàn thiện; các hoạt động mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt…


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)