10:09, 20/09/2013

Sẽ triển khai rộng tại TP. Nha Trang

Đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa vừa có chuyến đi tìm hiểu các hoạt động của Chương trình loại trừ bệnh sốt xuất huyết bằng cách phóng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia tại Úc. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên của đoàn cho biết:

Đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa vừa có chuyến đi tìm hiểu các hoạt động của Chương trình loại trừ bệnh sốt xuất huyết bằng cách phóng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia tại Úc. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên của đoàn cho biết:


Trong chuyến công tác tại Úc, đoàn được nghe báo cáo tổng quát về quá trình hình thành và triển khai Dự án loại trừ bệnh sốt xuất huyết bằng cách phóng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia, sự chấp thuận của Chính phủ Úc và các cơ quan có liên quan cũng như sự ủng hộ của cộng đồng đối với Dự án này. Đoàn cũng được xem quy trình thao tác chuẩn, những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc phân tích các mẫu muỗi và xét nghiệm sinh học phân tử khác; chứng kiến các tình nguyện viên đưa 2 tay vào trong lồng cho muỗi hút máu để khẳng định sự vô hại của muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Ngoài ra, đoàn đã đến một điểm nghiên cứu tại cộng đồng dân cư ở thị trấn bờ biển Machans, Cairns để tìm hiểu và thực hiện thao tác phóng thả muỗi Wolbachia tại khu dân cư này.


Muỗi mang tác nhân này sẽ ức chế sự phát triển của virus sốt xuất huyết Dengue. Chương trình ứng dụng muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia trong loại trừ sốt xuất huyết Dengue là một dự án quy mô toàn cầu với phương pháp rất mới. Đó là sử dụng vi khuẩn nội bào có tên Wolbachia gây nhiễm muỗi vằn tự nhiên nhằm làm cho virus Dengue không có khả năng phát triển trong cơ thể của muỗi Aedes aegypti. Vi khuẩn này là vi khuẩn nội bào và không lây nhiễm từ cá thể muỗi này sang cá thể muỗi khác, nhưng chúng lại có khả năng truyền vi khuẩn thông qua trứng nên duy trì được tình trạng nhiễm vi khuẩn Wolbachia cho thế hệ sau. Nó tạo ra cơ chế sinh sản được gọi là tương kỵ chất tế bào, nghĩa là Wolbachia có thể thâm nhập vào quần thể côn trùng tự nhiên thông qua giao phối bằng 2 cơ chế: Làm giảm khả năng sinh sản của muỗi cái không mang Wolbachia nếu chúng giao phối với muỗi đực mang Wolbachia; giao phối giữa hai cá thể muỗi đều mang Wolbachia sẽ ra thế hệ muỗi con mang vi khuẩn này. Qua đó, quần thể muỗi mang Wolbachia sẽ lấn át và thay thế quần thể muỗi tự nhiên tại nơi phóng thả. Những nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định, sự xuất hiện của Wolbachia trong cơ thể muỗi Aedes Aegypti đã làm giảm khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Như trên đã nói, trong tự nhiên có khoảng 76% loài côn trùng mang vi khuẩn Wolbachia như: Ruồi dấm, ong bắp cầy, bướm, bọ rầy, kiến, bọ cánh cứng, động vật giáp xác, nhện, giun tròn… Chúng hoàn toàn vô hại.

 

  Ông Lê Hữu Thọ
Ông Lê Hữu Thọ


 Tại Úc, chương trình nghiên cứu và hoạt động phóng thả thí điểm muỗi mang Wolbachia được triển khai từ tháng 1-2011. Sau Úc, tháng 4-2012, Dự án được triển khai thí điểm ở đảo Trí Nguyên (TP. Nha Trang). Dự kiến vào năm 2014, sẽ triển khai tại Yogyakarta (Indonesia) và Rio de Janiero (Brazil).


- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc triển khai Dự án này tại đảo Trí Nguyên?


- Tại Việt Nam, Dự án được triển khai làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2006 - 2010): Nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học quần thể của muỗi Aedes aegypti liên quan đến tác nhân sinh học Wolbachia và thiết lập mối quan hệ cộng đồng, đánh giá các trở ngại khó khăn. Giai đoạn 2 (từ tháng 7 đến 12-2011): Triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại thực địa hẹp Việt Nam. Giai đoạn 3 (2012 - 2015): Sau khi làm giảm khoảng 80% quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên ở đảo Trí Nguyên, vào tháng 4-2013, Dự án bắt đầu thả lăng quăng (đã phát triển gần thành muỗi) mang vi khuẩn Wolbachia ra thực địa, và hoạt động này được triển khai liên tục trong vòng 23 tuần. Kết quả giám sát cho thấy, đến thời điểm hiện tại, quần thể muỗi vằn trên đảo Trí Nguyên mang vi khuẩn Wolbachia đạt khoảng 80%. Hiện nay, Dự án đang tiếp tục thu thập muỗi trên đảo nhằm đánh giá khả năng duy trì của quần thể muỗi này tại đảo. Với những kết quả ban đầu, Dự án đang chuẩn bị lập kế hoạch đề xuất triển khai mở rộng thêm tại một số điểm tại TP. Nha Trang.


- Thưa ông, hiện nay nhiều người vẫn băn khoăn, liệu việc đưa muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ra phóng thả ở tự nhiên có thể gây nên những tác hại khác? Dự án này có mang tính tối ưu?


- Như đã nói ở trên, vi khuẩn Wobachia hoàn toàn vô hại. Qua chuyến đi thực tế tại Úc, chúng tôi nhận thấy, sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và không có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp duy nhất ngăn chặn dịch là tiêu diệt muỗi truyền bệnh. Sử dụng hóa chất là biện pháp hữu hiệu, cần thiết để tiêu diệt nhanh chóng quần thể muỗi đang bị nhiễm virus hoặc có khả năng nhiễm virus để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng rộng rãi và không kiểm soát tốt đã dẫn đến hiện tượng kháng hóa chất ở muỗi và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

-Muỗi Vằn mang Wolbachia được ví như chúng được tiêm vắc xin, do vậy chúng gần như không bị lây nhiễm vi rút dengue vào trong cơ thể chúng và do vậy cũng không còn khả năng truyền vi rút Dengue sang người. Với những ưu điểm nói trên, nếu quần thể muỗi Vằn tại địa phương tiềm ẩn khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết được thay thế bằng quần thể muỗi mang Wolbachia thì chúng ta sẽ bớt lo ngại về việc bùng phát dịch bệnh này tại cộng đồng.

Đoàn công tác đang đề xuất, kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Dự án tiếp tục được mở rộng triển khai tại TP. Nha Trang. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chuẩn bị đề cương nghiên cứu kèm văn bản đề xuất UBND tỉnh đồng ý cho triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ pháp lý khi trình Bộ Y tế phê duyệt Dự án giai đoạn mở rộng.


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)