12:09, 17/09/2013

Vì sao hiệu quả không cao?

Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” theo quyết định 470/2011, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  được áp dụng cho nhiều đối tượng chính sách với nhiều ưu đãi.

Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” theo quyết định 470/2011, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) được áp dụng cho nhiều đối tượng chính sách với nhiều ưu đãi. Thế nhưng, ở Khánh Hòa, hiệu quả của đề án này không cao vì khi người lao động (NLĐ) không mặn mà với việc đi nước ngoài làm việc.


Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” quy định đối tượng tham gia gồm: NLĐ là thân nhân chủ yếu của người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, NLĐ sẽ được hỗ trợ các chi phí như học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học. Ngoài ra, các chi phí như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp cũng đều được hỗ trợ. Tuy vậy, tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, nơi có rất đông người dân tộc thiểu số, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng qua 3 năm triển khai vẫn chưa có người dân nào đi nước ngoài lao động theo dự án này.


Anh Cao Văn Tịnh, người dân tộc Raglai, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh cho biết, anh được mời đến UBND xã để nghe cán bộ tỉnh tuyên truyền về lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Và được biết, đi làm ở nước ngoài thu nhập chỉ được từ  4 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng lại mất thời gian học nghề, học ngoại ngữ mà không biết có được đi chắc chắn hay không. “Nhà thì ngày nào cũng cần gạo, mắm để ăn. Thời gian đi học đã mất mấy tháng, ra nước ngoài chỉ được chừng 4 - 5 triệu đồng/tháng thì mình ở nhà đi hái cà phê, trồng keo, phát rừng thu nhập cũng bằng chừng đó. Hiện nay, mỗi ngày đi làm thuê mình cũng kiếm được 150.000 đồng, lại có tiền ngay trong ngày để mua gạo, mua mắm nên ở nhà vậy”, anh Tịnh nói.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số chấp nhận ở nhà làm rẫy chứ không đi xuất khẩu lao động.
Đồng bào dân tộc thiểu số chấp nhận ở nhà làm rẫy chứ không đi xuất khẩu lao động.


Theo ông Trần Hòa Nam, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, kể từ khi có dự án, chính quyền địa phương rất kỳ vọng đây là cơ hội thoát nghèo, nâng cao tay nghề, kiến thức, kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sở LĐ-TB-XH đã về tận các xã, thị trấn để tuyên truyền, vận động nhưng đáng tiếc không có ai tham gia. Theo ông Nam, Sở LĐ-TB-XH cần có những cách làm mới, cụ thể hơn trong công tác tuyên truyền, vận động để triển khai dự án, đặc biệt đối với địa bàn miền núi.


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết: “Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” trên địa bàn tỉnh hiệu quả không cao có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là đa số NLĐ thuộc đối tượng dự án có trình độ về chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế. Tuy lao động nương rẫy ở miền núi nhiều vất vả, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn nhưng đồng bào lại có tâm lý ngại xa nhà. Trong khi đó, bà con lại cho rằng mức thu nhập khi  làm việc ở nước ngoài chỉ 4 - 6 triệu đồng/tháng nên không hấp dẫn. Đối với các doanh nghiệp, do thủ tục thanh quyết toán rườm rà, phức tạp nên các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đưa người đi làm việc ở nước ngoài cũng không mặn mà. Trong quá trình thực hiện, do gặp nhiều khó khăn nên năm 2013, dự án thu hẹp quy mô triển khai, tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho NLĐ, còn việc đưa NLĐ đi nước ngoài  rất khó”.


Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết: “Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” được thực hiện ở 9 tỉnh trong cả nước. Tuy vậy, qua 3 năm thực hiện dự án, chỉ có các tỉnh Bắc Trung bộ làm tương đối, còn các tỉnh ở Nam Trung bộ và Tây Nam bộ có rất ít người được đi xuất khẩu lao động. Các nguyên nhân như cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thị trường lao động thì Bộ LĐ-TB-XH sẽ tháo gỡ. Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất chính là NLĐ với kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ lao động thì cần phải chuẩn bị, bồi dưỡng thật kỹ. Sắp tới, các tỉnh triển khai dự án phải tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực này kỹ hơn, hỗ trợ thêm các điều kiện để NLĐ an tâm đi xuất khẩu. Còn bây giờ, có nhiều trường hợp NLĐ được tập huấn, học ngoại ngữ… chuẩn bị cho đi, họ lại đòi về nhà. Mặt khác, khi đi sang nước ngoài NLĐ không chịu được gò bó, vi phạm các quy định, bị nước sở tại trả về nước nên hiệu quả dự án không được như mong muốn”.


Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” là một ý tưởng tốt để giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có NLĐ nào được đi nước ngoài làm việc theo dự án thì cần phải xem xét lại. Bên cạnh các vấn đề về thị trường lao động, cơ chế, thủ tục, ngành chức năng cần có phương pháp tiếp cận tuyên truyền phù hợp chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề NLĐ.


Đức Bình