06:09, 21/09/2013

Nỗi lo trong mùa mưa bão

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngoài các hồ chứa nước dung tích lớn đã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng năng lực tưới và đảm bảo an toàn thì các hồ chứa nhỏ chủ yếu bằng đất được đầu tư đã lâu nên có biểu hiện xuống cấp. Trong khi đó, nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp đang gặp khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngoài các hồ chứa nước dung tích lớn đã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng năng lực tưới và đảm bảo an toàn thì các hồ chứa nhỏ chủ yếu bằng đất được đầu tư đã lâu nên có biểu hiện xuống cấp. Trong khi đó, nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp đang gặp khó khăn.


Nhiều hồ xuống cấp


Hồ Đá Mài (huyện Diên Khánh) được xây dựng từ năm 1987 bằng nguồn vốn của Hợp tác xã (HTX) Diên Lâm 2. Tiếng là hồ chứa thủy lợi, nhưng từ mặt nước xuống đáy rất nông, chỗ sâu nhất cũng chỉ 3m. Ông Nguyễn Văn Nấm - quản lý hồ cho biết: “Trận lũ lớn nhất chỉ vượt bờ tràn hiện tại 3 tấc. Do đầu tư đã lâu, hồ đắp bằng đất nên chúng tôi phải thiết kế thêm các cống tràn bằng ván phai với nhiều cấp độ để dễ dàng khống chế mực nước, không gây nguy hiểm đến khu vực dân cư bên cạnh”. Theo Ban Chủ nhiệm HTX Diên Lâm 2, do hồ Đá Mài chưa được nâng cấp nên khả năng phòng lũ rất hạn chế. Để bảo đảm an toàn hồ và khu vực dân sinh xung quanh, HTX đã xây dựng 4 cống tràn nhằm chủ động tháo nước vào mùa mưa bão. “Các hồ khác trên địa bàn huyện đều đã được đầu tư nâng cấp, còn hồ Đá Mài vẫn chưa. Đến nay, hồ cũng chưa một lần nạo vét nên lòng hồ cứ bồi lắng cạn dần, sức chứa hiện tại chỉ còn 1/2 so với trước (dung tích ban đầu 0,6 triệu m3) nên diện tích tưới bị thu hẹp, vụ 3 tưới chưa đầy 20ha, vụ 8 không còn nước để tưới trừ khi có mưa tiểu mãn...” - ông Nguyễn Đạt, Chủ nhiệm HTX Diên Lâm 2 nói.

 

VĨNH LẠC
Kênh dẫn nước hồ Suối Trầu đã xuống cấp.

 

Nguồn vốn cần thiết để sửa chữa, nâng cấp các hồ lên đến 450 tỷ đồng. Trong đó hồ Suối Trầu (dung tích 12,5 triệu m3, tưới 835ha) dự kiến kinh phí 160 tỷ đồng; hồ Láng Nhớt (4 triệu m3, tưới 385ha) 100 tỷ đồng; hồ Đá Mài (2,6 triệu m3, tưới gần 200ha) 64 tỷ đồng; hồ Đồng Bò (0,7 triệu m3, tưới 40ha, phục vụ du lịch, sinh hoạt) 50 tỷ đồng; hồ Suối Luồng (0,62 triệu m3, tưới 80ha) 40 tỷ đồng; hồ Cây Bứa (0,8 triệu m3, tưới 70ha) 40 tỷ đồng.

Đến hồ Suối Luồng (huyện Vạn Ninh), anh Vân - cán bộ kỹ thuật Văn phòng đại diện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa tại huyện Vạn Ninh đưa chúng tôi đi xem tràn xả lũ của hồ. Bờ tràn thiết kế nhiều cấp độ, bê tông đã xỉn màu thời gian nhưng còn hoạt động khá tốt, đủ khả năng phòng lũ. Hồ Suối Luồng mùa này mực nước vẫn còn thấp. Anh Vân chỉ cho chúng tôi xem hệ thống cống lấy nước vẫn hoạt động tốt, thân đập vững chãi, chưa có dấu hiệu xuống cấp. Anh Trần Khánh Vinh - người giữ hồ tâm sự: “Tôi giữ hồ này đã 16 năm nay, chưa bao giờ phải huy động toàn lực giữ hồ. Việc báo cáo mực nước định kỳ, kiểm tra thiết bị vận hành, kiểm tra rò rỉ... là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa bão...”. Trong khi đó, tại hồ Suối Trầu (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi thấy tuy thân đập bằng đất vững chãi nhưng những hạng mục khác như: Hệ thống tràn, kênh mương có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Văn phòng đại diện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa tại thị xã Ninh Hòa cho biết, tuy đã đầu tư rất lâu nhưng hồ Suối Trầu vẫn còn hoạt động tốt, an toàn, không có hiện tượng rò rỉ. Hiện nay, phương án đầu tư nâng cấp hồ Suối Trầu đang được Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng thủy lợi triển khai, đã có quyết định của tỉnh cho phép nâng cấp hồ nhưng lại gặp khó khăn về vốn...”.


Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, qua kiểm tra an toàn hồ đập mới đây, nhìn chung, những hạng mục của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều ổn định, đập đất không có hiện tượng sụt lún; mái thượng lưu không bị biến dạng, nứt nẻ; không phát hiện tổ mối, hang động vật trên mái đập; tường chắn sóng ổn định; hệ thống tiêu, thoát nước vận hành bình thường; không thấy dòng thấm xuất hiện bên ngoài; hai bờ thượng và hạ lưu không có hiện tượng sạt, trượt… Các hạng mục khác như: tràn xả lũ; kênh dẫn, cửa vào, cửa ra không bị cản trở dòng chảy; ngưỡng tràn, thân tràn không bị rạn nứt, đứt gãy; các thiết bị vận hành, hệ thống điện đảm bảo; hạng mục cống lấy nước, thiết bị đóng mở, cửa cống, bể tiêu năng hoạt động tốt; các thiết bị quan trắc, đo đạc đều được bảo quản, kiểm tra định kỳ… Tuy nhiên, một số hồ cần sớm hoàn thiện như: hồ Suối Hành (huyện Cam Lâm); hồ Đá Đen (huyện Vạn Ninh). Một số hồ chứa xây dựng đã lâu, có dấu hiệu xuống cấp như: hồ Suối Trầu, Láng Nhớt (huyện Diên Khánh) đỉnh đập còn đọng nước, mái đập có chỗ bị bong rời; hồ Đồng Bò (TP. Nha Trang) hạ lưu bị xói hở hàm ếch…  


Nước đến chân... vẫn phải chờ vốn

 

Tràn xả lũ hồ Suối Luồng.
Tràn xả lũ hồ Suối Luồng.


Tuy chỉ là các hồ đập nhỏ nhưng công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), bảo vệ an toàn hồ đập luôn được các chủ hồ quan tâm. Tại hồ Suối Luồng, chúng tôi thấy có nhiều đống đá chất cao ven hồ để sẵn sàng phòng hộ khi có sự cố. Anh Vinh cho biết, đây là vật tư chuẩn bị trước mùa mưa bão mà công trình nào cũng phải chủ động. Tổ PCLB hồ Đá Mài có 3 người được phân công trực thường xuyên, liên tục tại hồ trong mùa mưa bão. Ngay từ cuối tháng 8, tổ đã tiến hành kiểm tra các ụ mối, phát dọn mặt đập, nạo vét rãnh hạ lưu... Điều chúng tôi ghi nhận là các hồ nhỏ đều không dám tích nước với khối lượng lớn mặc dù sức chứa có thể lớn hơn để phòng ngừa sự cố vỡ đê. Các hồ: Đá Mài, Suối Trầu cũng vậy, khi nước lớn sẽ vượt tràn thoát ra ngoài. Được biết, các địa phương cũng đã triển khai phương án hỗ trợ PCLB...
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho tất cả các hồ thuộc quyền quản lý, ông Nguyễn Mỹ - Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa cho biết: “Công ty đã lập phương án PCLB trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các hồ chứa lớn hơn 5 triệu m3 nước (gồm: Đá Bàn, Tiên Du, Hoa Sơn, Suối Trầu); còn các hồ chứa nhỏ hơn 5 triệu m3 nước (gồm: Suối Sim, Suối Luồng, Suối Lớn, Bà Bác, Cây Bứa), Công ty cũng lập phương án PCLB và tự triển khai thực hiện…”. Là đơn vị quản lý 7 hồ chứa nước phía Nam tỉnh (gồm: Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành, Am Chúa, Láng Nhớt, Cây Sung, Đồng Bò), đến thời điểm này, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa cũng đã chuẩn bị phương án PCLB. Ông Ngô Mạnh - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Thực hiện công tác PCLB, an toàn hồ chứa, chúng tôi đã triển khai phương án và được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, các hồ chứa đều đang vận hành an toàn”... Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: “Kết quả kiểm tra an toàn hồ đập trước mùa mưa bão cho thấy, các chủ hồ rất quan tâm đến công tác PCLB và bảo vệ an toàn hồ chứa theo quy định”.

 

Để bảo đảm an toàn, hồ Đá Mài phải xây dựng 4 cống điều tiết nước.
Để bảo đảm an toàn, hồ Đá Mài phải xây dựng 4 cống điều tiết nước.


Tuy công tác PCLB, bảo vệ an toàn hồ chứa được các cấp, ngành, chủ hồ quan tâm, nhưng việc nâng cấp các hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa nhỏ là vấn đề đang đặt ra. Ông Nguyễn Mỹ khẳng định: “Các công trình hồ chứa nhỏ xây dựng đã lâu, qua nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng. Để công trình bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả tưới tiêu, việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa rất cần thiết. Hiện nay, hồ Suối Trầu được tỉnh cho phép lập dự án nâng cấp. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn chờ vốn…”. Ông Ngô Mạnh cũng nêu nỗi lo về thiếu vốn nâng cấp các hồ chứa: “Hiện tại, hồ Suối Hành đang nâng cấp tràn xả lũ; hồ Láng Nhớt đã lập dự án nâng cấp (nâng cao năng lực tưới); hồ Đồng Bò cũng đề nghị lập dự án sửa chữa vì đuôi tràn bị xói lở. Tuy nhiên, ngoài hồ Suối Hành đang thi công, các hồ có dự án đều phải nằm chờ vốn…”.


Dưới tác động của biến đổi khí hậu, công tác an toàn hồ đập đã trở nên rất bức thiết. Hiện nay, do khó khăn về vốn nên một số dự án, công trình nâng cấp hồ chứa đang trong tình trạng nằm chờ vốn, chưa biết bao giờ mới triển khai.


V.L