11:08, 30/08/2013

Còn nhiều khó khăn

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tuy đạt một số kết quả nhưng còn nhiều khó khăn, cần được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tuy đạt một số kết quả nhưng còn nhiều khó khăn, cần được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ.


Kết quả bước đầu


Theo đánh giá của UBND huyện Khánh Vĩnh, giai đoạn 2011 - 2013, tuy gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế nhưng nhìn chung tình hình phát triển KT-XH của huyện vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ: GDP đầu người năm 2012 đạt 10,25 triệu đồng, tăng gần 600.000 đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2013 là 26,02%, giảm 8,66% so với năm 2012; các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai đồng bộ, giúp người dân an tâm sản xuất... Tuy nhiên, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện vẫn còn nhiều khó khăn: Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp; tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã còn cao; hiệu quả phát triển giáo dục, y tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao...


Giai đoạn này, Chương trình tập trung vào các hoạt động chính như: Tuyên truyền vận động; phát triển mô hình sản xuất; hỗ trợ người nghèo; triển khai cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ xây nhà, lắp đặt công tơ điện, nước; xây dựng các tuyến đường vào khu sản xuất... Đến tháng 7-2013, toàn huyện mở được 14 lớp tập huấn tuyên truyền, thu hút hơn 700 người dân tham gia; tiến hành đăng ký xây dựng 70 mô hình phát triển sản xuất (630 triệu đồng); hỗ trợ hơn 8.000 hộ, gần 37.000 nhân khẩu, số tiền hơn 5,6 tỷ đồng thực hiện Quyết định 596 của UBND tỉnh; cho vay 796 hộ với số tiền gần 4 tỷ đồng; đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng lắp đặt công tơ điện cho 153 hộ (kinh phí hơn 1 tỷ đồng), xây 117 nhà (hơn 3,2 tỷ đồng) theo chương trình lồng ghép xây nhà cho đồng bào DTTS; đầu tư 6 tuyến đường vào khu sản xuất, tổng chiều dài hơn 5km, kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng...

 

1
Đường vào khu sản xuất suối Trà Ngâu (xã Khánh Trung) vừa được đưa vào sử dụng


Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh cho biết, UBND huyện rất quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; vốn bố trí tới đâu thực hiện tới đó. Việc thực hiện chính sách và các chương trình hỗ trợ đã tác động mạnh tới công tác giảm nghèo, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân...


Còn nhiều khó khăn


Bà Nie H’Ruon, Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, tuy Chương trình đạt được một số kết quả song vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn cấp chậm, không đáp ứng so với yêu cầu. Đến nay, xã Khánh Hiệp đã đăng ký xong việc phát triển mô hình sản xuất heo đen cho 5 hộ (nghèo, cận nghèo) nhưng vẫn chưa cấp được con giống vì đang có dịch heo đen; thiếu kinh phí lắp đặt công tơ điện. Nan giải nhất là vấn đề nước sạch. Xã Khánh Hiệp hiện có hơn 80% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng do đầu tư đã lâu, nguồn nước lấy từ đầu nguồn nên mỗi khi mưa lũ không tránh khỏi tình trạng nước đục, không thể sử dụng, hệ thống cấp nước sinh hoạt xuống cấp nhưng thiếu kinh phí đầu tư, sửa chữa. Vùng sản xuất của Khánh Hiệp khá lớn nhưng địa hình đồi núi phức tạp, nhiều tuyến đường tự phát đi vào vùng sản xuất. Hiện Khánh Hiệp có 180ha mía, 200ha mì, 96ha  bắp, 160ha keo, 97ha cây ăn quả (xoài, bưởi da xanh...) nhưng các con đường tiếp cận vùng sản xuất còn khó khăn, chưa bảo đảm cho xe cơ giới vận chuyển nông sản.


Theo bà Võ Thị Minh Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS từng bước được nâng cao, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo, biểu hiện rõ rệt qua các lần bình xét hộ nghèo. Tuy nhiên, vốn cho Chương trình vẫn còn khó khăn. Kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 596 của UBND tỉnh quá ít, bà con chỉ đủ mua được con giống heo, nhưng chỉ cần heo bệnh chết là mất vốn; hệ thống nước tự chảy của xã không thể nối mạng với xóm Suối Cá (thôn Bắc Sông Giang) vì địa hình cao; điện vẫn chưa phủ đến 2 xóm Ba Thát và Đồi (thôn Bắc Sông Giang); nhu cầu làm đường vào khu sản xuất rất lớn nhưng kinh phí chưa đáp ứng... Còn tại xã Cầu Bà, nguồn nước cung cấp cho người dân hiện cũng là điều nan giải cần được đầu tư, nâng cấp.  


Cùng nhận định như các xã, ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng, vốn bố trí chậm và chưa đáp ứng yêu cầu là nguyên nhân chính khiến Chương trình khó triển khai. Cụ thể như việc đầu tư đường vào khu sản xuất theo kế hoạch năm 2012 là 12 tỷ đồng, năm 2013 là 16 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ bố trí tương ứng mới hơn 6 tỷ đồng; vốn hỗ trợ công tác tuyên truyền chỉ mới bố trí vào năm 2013; chính sách xây nhà cho đồng bào DTTS chỉ dựa vào nguồn lồng ghép, xã hội hóa nên rất bị động; việc lắp đặt đồng hồ điện, nước khó triển khai do kinh phí hỗ trợ thấp so với định mức. Ngoài ra, nhiều xóm dân cư mới, ở xa phải hạ thế tốn nhiều kinh phí. Nguồn nước cũng là điều nan giải, việc triển khai hiện rất chậm do thiếu vốn và các xã cũng chưa xác định được nhu cầu...


Từ thực tế trên, huyện Khánh Vĩnh mong muốn tỉnh quan tâm bố trí kinh phí xây dựng mô hình sản xuất, tuyên truyền, vốn vay ngay từ đầu để huyện chủ động triển khai; đồng thời tăng nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đường vào khu sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thu hoạch, vận chuyển nông sản.


P.L