06:07, 16/07/2013

Ninh Hòa vươn lên mạnh mẽ

Ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ lâm thời tỉnh, hàng ngàn người dân huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) với dũng khí cách mạng mạnh mẽ đã tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ áp đảo kẻ thù, góp phần khơi dậy truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước.

Ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ lâm thời tỉnh, hàng ngàn người dân huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) với dũng khí cách mạng mạnh mẽ đã tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ áp đảo kẻ thù, góp phần khơi dậy truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước. Sau giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Hòa tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.


Thời khắc lịch sử


Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ, ngày 16-7-1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, Đảng bộ huyện Tân Định đã vận động nhân dân tiến hành cuộc biểu tình đấu tranh phản đối ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến. Lúc bấy giờ, Đảng bộ huyện Tân Định chỉ có 20 đảng viên và hơn 500 hội viên các đoàn thể quần chúng.

 

1
Tinh thần ngày 16-7 trở thành tài sản vô giá trong truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Khánh Hòa.


Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, rạng sáng 16-7, đông đảo nhân dân đã tập trung ở vùng núi Ổ Gà, sau đó xuống đường kéo vào huyện lỵ Tân Định. Càng đi, đoàn người càng đông dần. Lúc đến huyện đường, số người đã lên đến 1.000 người. Đoàn biểu tình hùng dũng kéo vào bao vây huyện đường. Trước khí thế của đoàn biểu tình, viên tri huyện hoảng sợ, run rẩy ký vào bản yêu sách của nhân dân. Thừa thắng xông lên, đoàn biểu tình đã phá cửa nhà giam, thả tù chính trị, rồi tỏa về các ngã đường để biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh để tổ chức lễ mít tinh.


Thắng lợi của cuộc biểu tình đã đánh dấu bước phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn, nổ ra đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung bộ, giành thắng lợi trọn vẹn, giáng một đòn chí mạng vào uy thế chính trị, làm xáo động bộ máy thống trị đương thời. Từ cuộc biểu tình này, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh được cổ vũ và phát triển, góp phần rất lớn vào công cuộc giải phóng đất nước.

 

 Tượng đài kỷ niệm ngày 16-7.
Tượng đài  kỷ niệm ngày 16-7.
 


Từng bước chuyển mình


83 năm sau ngày diễn ra sự kiện 16-7, từ một vùng quê chịu nhiều hy sinh, mất mát của chiến tranh, Ninh Hòa hôm nay đã có bước chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ; an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn ngày càng khởi sắc. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng, mái ngói được xây dựng khang trang; dịch vụ thương mại phát triển. Ông Nguyễn Đức Cảnh (78 tuổi, phường Ninh Hiệp) nhìn nhận: “Trước đây, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu thốn. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống của người dân đã khá hơn rất nhiều, quê hương cũng thay đổi, khởi sắc từng ngày. Các công trình về giao thông, thủy lợi, trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng kiên cố, nhất là các con đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa...”.


Những năm qua, thị xã đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, các cơ sở công nghiệp được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho tiêu dùng, xuất khẩu. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 23%/năm. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch đang phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 16,3%/năm. Các loại hình du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn được mở rộng, nhiều cơ sở phát triển với quy mô lớn và hoạt động có hiệu quả. Ngoài các cơ sở sản xuất Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 9.250 cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt 1.140 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 18,3%/năm. Đặc biệt, trên địa bàn thị xã có nhiều dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương như: Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin, cảng biển Hòn Khói…

Đô thị Ninh Hòa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang.
 Đô thị Ninh Hòa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang.


Trong phát triển nông nghiệp, thị xã luôn tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang bị máy móc, phương tiện cơ giới, nhân giống lúa mới có năng suất cao. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, sản lượng lương thực trên địa bàn thị xã ước đạt hơn 95.000 tấn. Ngoài ra, địa phương cũng rất quan tâm đến lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt hải sản, trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, sản lượng đánh bắt hải sản đạt bình quân hơn 10.000 tấn/năm.


Các chương trình chỉnh trang, mở rộng đô thị, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt đã làm cho diện mạo từ các phường đến vùng nông thôn có nhiều khởi sắc. Kinh tế phát triển đã góp phần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao… Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thị xã khoảng 20 triệu đồng/năm. Toàn thị xã không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh còn khoảng 3,7%, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Theo quy hoạch chung của tỉnh, thời gian tới, thị xã Ninh Hòa sẽ được đầu tư phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên các lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, văn hóa và cơ sở hạ tầng; trở thành một trong những khu vực kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm của tỉnh”.


Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, lại nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong, hiện nay, thị xã Ninh Hòa có một số dự án lớn đã và đang được triển khai xây dựng như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Trung tâm điện lực Vân Phong; các công trình thủy lợi như: Hồ Tiên Du, hệ thống thủy lợi sau Thủy điện Eakrongrou… góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của thị xã.


Có thể nói, với chủ trương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp, Ninh Hòa đang hướng đến trở thành một trong những khu vực kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm của tỉnh.


K.H - M.H