10:06, 30/06/2013

Còn nhiều thách thức

Chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nên giá bán ra phù hợp với túi tiền của người dân, tuy nhiên số phương tiện tránh thai bán ra vẫn thấp. Bởi lâu nay, nhiều người dân đã quen với nếp nghĩ, phương tiện tránh thai được cấp miễn phí.

Chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nên giá bán ra phù hợp với túi tiền của người dân, tuy nhiên số phương tiện tránh thai bán ra vẫn thấp. Bởi lâu nay, nhiều người dân đã quen với nếp nghĩ, phương tiện tránh thai được cấp miễn phí.


Bán rẻ nhưng…


Trước kia, Việt Nam có mức sinh cao làm ảnh hưởng đến quy mô dân số trong nước cũng như dân số toàn cầu. Để kiềm chế tốc độ gia tăng dân số, bằng nguồn tài trợ của Quỹ Dân số thế giới và ngân sách Nhà nước, một số phương tiện tránh thai được cấp phát miễn phí hoàn toàn cho người dân. Hiện nay, nước ta đã đạt được mức sinh thay thế, trung bình gần 2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên Quỹ Dân số thế giới đã cắt nguồn tài trợ, ngân sách Nhà nước dành cho công tác dân số cũng giảm dần và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, hàng năm, ở nước ta, tỷ lệ phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng. Bình quân mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ.


Nhằm giữ ổn định mức sinh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đưa ra chủ trương thực hiện song hành 2 chương trình. Chương trình thứ nhất là truyền thông, cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí dành cho người nghèo, đối tượng khó tiếp cận, nhất là người dân ở vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa như trước đây đã thực hiện. Chương trình thứ 2 là tiếp thị xã hội, người dân cùng với Nhà nước chi trả một phần cho phương tiện tránh thai mà họ sử dụng. Chương trình này được thực hiện rộng rãi bắt đầu từ tháng 6-2012. Trên địa bàn tỉnh, trừ 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai kênh tiếp thị xã hội đến tận các xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số.

 Cộng tác viên dân số tư vấn cho người dân về sử dụng phương tiện tránh thai.
Cộng tác viên dân số tư vấn cho người dân sử dụng phương tiện tránh thai.


Nhờ được trợ giá của Nhà nước nên phương tiện tránh thai bán ra đảm bảo chất lượng, nhưng giá rẻ hơn so với thị trường. Bao cao su bán ra chỉ có 400 đồng/chiếc. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bao cao su giá từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng/chiếc. Viên uống tránh thai giá chỉ 3.000 đồng/vỉ. Trong khi các loại thuốc tránh thai trên thị trường có thể tới 60.000 đồng/vỉ.


Kết quả vẫn thấp


Chị Nguyễn Trang Ngân - người dân ở xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) cho biết: Lâu nay, tôi dùng viên thuốc tránh thai được cấp miễn phí; bây giờ phải mua nên tôi ngừng sử dụng một thời gian vì sợ tốn kém. Nhưng khi cộng tác viên xuống tư vấn tại nhà là thuốc bán chỉ có 3.000 đồng/vỉ, thấy cũng rẻ nên vợ chồng tôi yên tâm mua sử dụng lại”. Anh Huỳnh Quốc Thái (xã Ninh Thọ) cũng chia sẻ: “Bây giờ, kinh tế khó khăn, nuôi 2 cháu ăn học cũng khó nên vợ chồng tôi không tính đẻ con thứ 3. Vợ chồng tôi kế hoạch bằng bao cao su. Trước kia dùng hàng cấp miễn phí, sau này không cấp nữa mà mua với giá rẻ, tôi thấy cũng chấp nhận được nên mua”.

 

Sau 1 năm thực hiện Chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được vẫn còn thấp. Cụ thể, từ giữa năm 2012 đến tháng 3-2013, đối với bao cao su chỉ tiếp thị được 83.350/248.000 chiếc, đạt 33,6% kế hoạch. Viên uống tránh thai chỉ hơn 25.000/93.500 vỉ, đạt 26,7% kế hoạch. Kết quả đạt được ở mỗi huyện, thị xã, thành phố cũng không đồng đều. Trong số 6 địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai tiếp thị, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Ninh Hòa đạt kết quả cao nhất. Một số địa phương còn lại tiếp thị đạt thấp, có địa phương chỉ đạt từ 3 đến 15% kế hoạch đề ra. 

Tuy nhiên, những người hiểu và nhận thức được như chị Ngân và anh Thái rất ít. Do quen với nếp nghĩ trước đây được cấp miễn phí, còn bây giờ phải bỏ tiền ra mua nên nhiều người chưa mặn mà, nhất là người lao động có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn. Chị Nguyễn Thị Sinh - cộng tác viên dân số xã Ninh Thọ cho biết: “Đối với các chị em làm nông, mò cua bắt ốc để sinh sống, khi tiếp thị phương tiện tránh thai, chị em không đồng ý, bởi họ chỉ mong cấp phát”. Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở nhiều xã cũng than phiền, trong tháng tiếp thị đầu tiên, hàng loạt chị em không sử dụng phương tiện tránh thai nữa vì nghi ngờ giữa việc cấp miễn phí và bán. Vì vậy, cán bộ và cộng tác viên dân số gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp thị. Phải tuyên truyền giải thích trong thời gian dài, một số người mới chấp nhận mua nhưng tỷ lệ vẫn chưa cao.


Theo bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, dù chương trình cấp phát miễn phí không còn, nhưng thực tế, chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai vẫn được bao cấp một phần. Nhờ được trợ giá nên sản phẩm được bán với giá rẻ, phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Tuy nhiên hiện nay, chương trình tiếp thị cũng gặp nhiều khó khăn, vì lâu nay thói quen của người dân được cấp, còn bây giờ dù bán giá rẻ nên họ nghi ngờ, thiếu sự tin tưởng. Thực chất, chương trình mang lại lợi ích cho người sử dụng vì tính an toàn, hiệu quả và được cung cấp tận nơi. Người dân có thể tiếp cận dễ dàng với giá rẻ liên tục và thường xuyên. Vấn đề không phải là ở giá bán, mà ở chỗ làm sao mọi người hiểu và tự giác, vui vẻ thực hiện biện pháp tránh thai dù phải chi trả một phần.


Không chỉ Việt Nam mà tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai là một xu thế tất yếu ở tất cả các nước khi quy mô dân số đạt được mức sinh thay thế. Hiện nay, chương trình này ở nước ta vẫn nằm trong phạm vi hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần ý thức rằng, tuy không còn cấp phát miễn phí như trước nhưng thực tế, khi sử dụng phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội của ngành Dân số là người dân vẫn đang được hưởng lợi nhờ sự trợ giá của Nhà nước.


Minh Thiết - Anh Thư