09:06, 08/06/2013

Vô lý nhưng vẫn cứ thu tiền

Đó là phản ứng của nhiều doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khi Trạm thu phí Cam Thịnh hoạt động trở lại và trước đó là Trạm thu phí cho Dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả” tại Ninh An (thị xã Ninh Hòa).

Đó là phản ứng của nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khi Trạm thu phí (TTP) Cam Thịnh hoạt động trở lại và trước đó là Trạm thu phí cho Dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả” tại Ninh An (thị xã Ninh Hòa).

 

Không đi cũng phải đóng phí sử dụng đường bộ

 


Từ 0 giờ ngày 20-5-2013, TTP Cam Thịnh tại Km1517, Quốc lộ 1 đã bắt đầu thu phí trở lại. Đây là nội dung của Quyết định số 1184/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông ký chấp thuận đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc dùng lại TTP Cam Thịnh để hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đoạn qua TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Nhà đầu tư sẽ được thu phí tại TTP Cam Thịnh trong vòng 15 năm 8 tháng. Trước đó, TTP Cam Thịnh đã được Bộ GTVT cho dừng thu từ ngày 1-1-2013 sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động.

 


“Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh của Công ty Yến sào Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Hàng ngày, để đi từ Nha Trang đến nhà máy, các loại ô tô của Công ty đều phải đi qua TTP. Điều vô lý là, các loại ô tô của Công ty phải đóng phí để xây dựng tuyến đường tránh TP. Phan Rang - Tháp Chàm trong khi không đi trên tuyến đường này” ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết.

 

 

Trạm thu phí Cam Thịnh.
Trạm thu phí Cam Thịnh.

 

Nằm ở phía Bắc, Dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả” (giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) ngay từ khi chưa triển khai chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng đã được thu phí tại 2 trạm: Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa - Phú Yên) và Ninh An (thị xã Ninh Hòa) để phục vụ dự án. Dự án này, đến nay chưa triển khai xây dựng được khu tái định cư cho dân, biết bao giờ mới mới khởi công mà đã thu phí. Cách làm này đang gây bức xúc trong dư luận vì lẽ ra khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư mới được thu phí. Đó là chưa nói, 2 TTP đều cách xa nơi dự án triển khai, nhiều phương tiện của người dân, các(DN nhất là các DN du lịch thường đưa khách đến vịnh Vân Phong dù không qua đèo, qua hầm nhưng cũng phải nộp phí.


Doanh nghiệp và người dân bức xúc


Điều khiến nhiều DN và người dân bức xúc là TTP  Cam Thịnh đặt tại Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cách vị trí xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1A qua Phan Rang hơn 30km. Nhiều phương tiện của DN và người dân trên địa bàn tỉnh dù không hề đi qua tuyến đường này vẫn phải đóng phí trong khi đã phải đóng phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra trạm phải được đặt ngay trên địa phận TP. Phan Rang nhưng phải chăng do chủ đầu tư muốn tận thu cả những phương tiện không qua tuyến đường tránh?


Công ty TNHH một thành viên Hằng Hải đang hợp đồng đổ đất cho Dự án xây dựng nhà máy xi măng Công Thanh nằm trên địa bàn xã Cam Thịnh Đông. Mỗi ngày Công ty này có hơn 25 xe hoạt động phải đi qua TTP Cam Thịnh. Ông Trần Văn Hảo - quản lý đội xe bức xúc: Đội xe của Công ty chúng tôi chỉ hoạt động trên địa bàn xã. Từ chỗ lấy đất đến nơi đổ chỉ cách nhau không xa và đoàn xe chỉ đi khoảng 3km trên Quốc lộ 1A, nhưng chúng tôi phải mua phí tháng với mức 1,2 triệu đồng/xe, tổng cộng chi phí khoảng 30 triệu đồng/tháng. Điều này khiến Công ty bị lỗ nhiều vì lúc hợp đồng, trạm này đã ngừng hoạt động nên đã không tính đến mức phí này. Nhưng điều vô lý hơn là trạm bắt đầu thu phí từ ngày 20-5, nhưng vẫn bắt công ty phải mua phí nguyên tháng. Lúc đầu, chúng tôi bức xúc định đậu xe để phản đối…


Còn theo ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa: Từ khi TTP Cam Thịnh hoạt động trở lại, mỗi tháng, các loại ô tô đưa đón cán bộ, công nhân viên, người lao động của Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh phải đóng khoản phí phi lý tổng cộng hơn 5 triệu đồng (tương đương 60 triệu đồng/năm). Đó là chưa kể các loại phương tiện ô tô khách lưu thông qua trạm khi có việc đột xuất và các loại phương tiện ô tô chở hàng hóa ra vào nhà máy hàng ngày… Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh kiến nghị Trung ương chuyển TTP ra khỏi địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hoặc không thu phí các loại ô tô đi qua TTP này mà không đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.  


Cơ quan chức năng nói gì?


Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho biết: Việc thu phí này là do Bộ GTVT đã thỏa thuận với nhà đầu tư và cho phép thu theo Thông tư của Bộ Tài chính. Chính vì thế, chỉ có Bộ GTVT mới giải quyết được những kiến nghị này của các DN.


Tình trạng phí chồng phí một cách vô lý đang khiến chi phí vận tải bị đẩy lên, kéo theo sự tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và đời sống người dân, đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Được biết, theo lộ trình, năm 2014 mức phí sẽ tăng lên và sẽ tăng dần theo từng năm. Với thời gian thu phí kéo dài đến 15 năm 8 tháng, đây thật sự là một gánh nặng cho các DN và người dân. Người dân và DN đang hy vọng các cơ quan chức năng của tỉnh sớm kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT để giải quyết tình trạng bất hợp lý này.


BÍCH KHUÊ