12:11, 13/11/2012

Cải tiến thành công máy xe sợi dệt lưới

Ông Đặng Quang Toản (Hòa Tây, Vĩnh Hòa, Nha Trang) vốn là người lính quê Hà Tây xứ dệt, bằng niềm đam mê cơ khí của mình đã cải tiến thành công nhiều loại máy móc, trong đó có máy xe sợi dệt lưới…

Ông Đặng Quang Toản (Hòa Tây, Vĩnh Hòa, Nha Trang) vốn là người lính quê Hà Tây xứ dệt, bằng niềm đam mê cơ khí của mình đã cải tiến thành công nhiều loại máy móc, trong đó có máy xe sợi dệt lưới…

Định cư tại phường Vĩnh Hòa - một phường có nghề dệt lưới trũ - những khó khăn từ nghề dệt lưới cá đã khiến ông Toản liên tưởng đến những cỗ máy dệt quê mình và quyết tâm tạo ra chiếc máy có thể xe được sợi. Theo ông Toản, sợi xe bằng nhiều phương pháp nhưng hầu hết là thủ công, mất nhiều thời gian và sức lao động. Trong khi đó, các máy dệt đều có nhu cầu xe sợi. Từ năm 2002, ông học tập các mẫu máy từ TP. Hồ Chí Minh gửi ra và cải tiến dần. Ông mày mò vẽ đi phác lại, rồi đến thợ hàn đặt hàn từng chi tiết. Cứ thế, chiếc máy kéo sợi dần hình thành. Ông còn tìm đến những sinh viên đang học kỹ thuật để hỏi về các bo mạch điện tử. “Tôi chỉ cải tiến những chi tiết còn bất hợp lý để tạo ra chiếc máy xe sợi hoàn chỉnh từ nguyên bản của chiếc máy dệt vải truyền thống” - ông nói.

Máy dệt lưới cải tiến từ máy dệt vải công nghiệp.

Máy dệt lưới cải tiến từ máy dệt vải công nghiệp.

Theo ông, hai cải tiến cơ bản của ông là cải tiến trục cuốn làm tăng năng suất lao động từ 20 cuộn sợi (2 bản) lên 40 cuộn sợi; đồng thời thiết kế mạch điện tử giúp máy có thể hoạt động bán tự động. Bây giờ, những phụ nữ trong phường có thể điều khiển máy xe sợi một cách nhẹ nhàng, có thể tranh thủ làm việc khác mà không phải trông chừng như trước đây. Đây là chiếc máy hỗ trợ thực hiện công đoạn kéo sợi nguyên liệu để dệt lưới. Tùy theo cỡ sợi, máy có thể kéo gần 1 tạ sợi/ngày. Từ ngày có máy xe sợi, những người dân trong phường cũng như nhiều nơi khác an tâm dệt lưới cá mà không lo thiếu sợi như trước đây. Tuy chiếc máy xe sợi mới được hình thành đầu năm 2012 nhưng bao nhiêu sản phẩm “ra lò” đều được tiêu thụ hết. Giá thành của máy 20 triệu đồng/chiếc, trong đó chi phí máy móc, thiết bị hơn 13 triệu đồng, tiền công được tính 4,5 - 5 triệu đồng/chiếc (10 ngày thi công, lắp ráp). Đến nay, ông đã sản xuất và bán được 9 chiếc.

Không chỉ cải tiến máy xe sợi, ông Toản còn cải tiến máy dệt vải sang dệt lưới. Máy cũ được thanh lý từ công ty dệt, ông cải tiến sang máy dệt lưới nhờ thay đổi tốc độ nhịp dệt và giàn go tạo lỗ cho mắt lưới. Hiện nay, giá thành một máy dệt lưới cải tiến là 100 triệu đồng (trong đó chi phí máy cũ là 87 triệu đồng). Máy dệt lưới cải tiến góp phần tăng năng suất lao động gấp bội. Ông Nguyễn Văn Ước (tổ dân phố 12, phường Vĩnh Hòa) - hộ dân đang sử dụng cả máy xe sợi và máy dệt lưới cải tiến của ông Toản cho biết, máy xe sợi hoạt động rất tốt, chất lượng sợi đều, người vận hành nhẹ nhàng, năng suất tăng 1,5 lần; còn máy dệt lưới cải tiến từ máy dệt vải cũng hoạt động tốt, một người có thể vận hành 4 - 5 máy cùng lúc. Ngoài cải tiến các máy cho dệt lưới, ông Toản còn có thể hoàn thiện mô hình khung dệt thủ công đáp ứng nhu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống.

Từ niềm đam mê cơ khí, ông Toản đã tạo ra được sản phẩm cải tiến phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Q.V