07:09, 26/09/2012

Chủ động ứng phó với mùa mưa bão 2012

Trước những khác thường của thời tiết, mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn được các cấp, ngành quan tâm hơn bao giờ hết.

Trước những khác thường của thời tiết, mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) được các cấp, ngành quan tâm hơn bao giờ hết.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, do hiện tượng ENSO (sự phối hợp hoạt động giữa 2 hiện tượng xảy ra ở đại dương - El-Nino, La-Nina và ở khí quyển dao động Nam Bán cầu), mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, cần chủ động đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, vùng trũng thấp và hạ lưu ven sông ở các địa phương trong tỉnh.

Công tác chuẩn bị đạt yêu cầu

Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị đối phó với mưa bão như: Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2011; ban hành chỉ thị về công tác PCLB năm 2012; kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp; chuẩn bị lực lượng, phương án đối phó với những diễn biến, mức độ của thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ“ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và ‘‘3 sẵn sàng“ (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Các ngành, đặc biệt là các đơn vị quản lý hồ chứa nước đã hoàn chỉnh phương án PCLB, an toàn công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật tư để kịp thời xử lý các sự cố do thiên tai gây ra. Từng ngành, địa phương cũng đều có phương án đối phó hiệu quả, thiết thực.

Lực lượng vũ trang tỉnh ứng cứu người dân trong vùng ngập lũ năm 2010.

Lực lượng vũ trang tỉnh ứng cứu người dân trong vùng ngập lũ năm 2010.

Lực lượng vũ trang tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, TKCN trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trên cơ sở kế hoạch của Quân khu và UBND tỉnh, công tác PCLB, TKCN tập trung vào việc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác những năm qua để rà soát, bổ sung cho phù hợp; kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp, nâng cao năng lực, trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra; tổ chức hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị của Quân khu theo phương châm “4 tại chỗ“; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và chế độ trực ban duy trì liên tục trong mùa mưa bão...

Quán triệt chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hoàn tất phương án PCLB, TKCN, phân công cho các đơn vị, đồn, trạm biên phòng, hải đội, Đại đội 19 sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão, thông báo cho ngư dân biết để vào bờ tránh trú; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III kết nối thông tin liên lạc với tàu cá xa bờ; phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng vận động, hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền, cứu hộ, cứu nạn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm...

Theo ông Nguyễn Thái Như Trị, nhìn chung, công tác chuẩn bị ứng phó với lụt bão đã đạt yêu cầu; các địa phương, đơn vị đã xác định được những vùng trọng yếu, tập trung tăng cường lực lượng, phương tiện ứng cứu, di dời dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc kết nối đường, cầu đã cơ bản thông suốt, không để xảy ra tình trạng cô lập, chia cắt trong mùa mưa lũ như trước đây (Tỉnh lộ 9, tuyến Cầu Lùng - Khánh Lê, cầu Diên Đồng...). Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, cấp, đơn vị khẩn trương giải quyết, xử lý chống ngập cho TP. Nha Trang trước mùa mưa bão.

Một số lưu ý, vướng mắc

Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác PCLB vẫn còn nổi lên một số vấn đề, đòi hỏi các địa phương cần cụ thể hóa phương án đối phó với từng loại hình thiên tai; xác định vùng nguy hiểm để nhân dân chủ động đối phó, di dời; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn thường xuyên tại các điểm xung yếu (cầu, tràn...) để bảo đảm an toàn cho người dân qua lại trong mùa mưa bão; đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân tại các điểm sơ tán; chuẩn bị kỹ phương án sơ tán dân trong trường hợp di dời khẩn cấp...

Mặt khác, hiện nay, tỉnh cũng đang gặp khó trong việc xây dựng hệ thống đê, kè kiên cố tại các vùng ven sông, suối lớn đang bị sạt lở nghiêm trọng như: khu vực Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn); thị trấn Khánh Vĩnh (Khánh Vĩnh); Đại Lãnh (Vạn Ninh); Vĩnh Nguyên, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, sông Tắc, cầu Bình Tân (Nha Trang)... Các công trình này phần lớn đã triển khai lập và phê duyệt dự án đầu tư, tuy nhiên, chưa có nguồn vốn để bố trí xây dựng...

Q.V