10:07, 01/07/2016

Đường đời gặp lại thuở nằm nong

Đầu tuần, qua đứa em cùng quê, tôi liên lạc được với Trâm, cô bạn đồng niên thời cùng học chung lớp 7b trường làng. Niên học đó tôi làm tổ trưởng tổ học nhóm, có Hồng và Trâm. ...

Đầu tuần, qua đứa em cùng quê, tôi liên lạc được với Trâm, cô bạn đồng niên thời cùng học chung lớp 7b trường làng. Niên học đó tôi làm tổ trưởng tổ học nhóm, có Hồng và Trâm. Thời ấy không có chuyện học thêm như bây giờ, chủ yếu các thầy cô căn cứ vào học lực từng học sinh, xếp thành nhóm, trò giỏi, trò chưa giỏi tự lực giúp nhau hiểu bài. Cùng tuổi 15 với nhau, sau khi ôn và soạn bài chung, vét sạch cả soong xụm (còn gọi là nộm) đu đủ, bánh khô vừng tự làm, tôi và Trâm cứ vô tư khoanh người trong cái nong nằm đếm sao mà không hề để ý đến cô bạn đã bắt đầu “chủm cau” chuyển thì.

 


Tháng 4-1968, kết thúc năm học cuối cấp II, tôi giấu mọi người sửa lý lịch, khai gian tuổi, trốn nhà theo các anh cùng thị trấn nhập ngũ. Hai ngày sau khi nhập ngũ, tôi cùng 2 người bạn đồng môn, đồng ngũ hơn tôi 2 tuổi xúng xính trong bộ quân phục, mũ tai bèo quân giải phóng ghé tiệm ảnh của bố Trâm chụp kiểu ảnh làm “oai” rồi ra chiến trường…


Bẵng qua 48 năm, tình cờ tôi gặp em trai Trâm ở Nha Trang. Tôi liên lạc với Trâm và bất ngờ gặp cô bạn đồng niên khi Trâm cùng vợ chồng con gái vào Nha Trang. Càng bất ngờ hơn khi Trâm đưa cho tôi 2 tấm ảnh khổ 3x4cm. Một tấm tôi và hai bạn học chụp với nhau 4 ngày trước khi nhập ngũ. Một tấm tôi làm dáng trong bộ quân phục, tay chống cằm, cố ý khoe cái đồng hồ “vi-le” cũ kỹ, bố tôi vừa dúi cho..., phía sau còn nguyên dãy chữ, số hộp thư của đơn vị, cũng là hộp thư đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi.


Thấy đôi bạn già gặp nhau, khi cậu cậu, tớ tớ hồ hởi hồn nhiên, lúc chùng lắng nghẹn ngào nhắc lại tên những đứa bạn cùng lớp lần lượt ra đi, đến giờ vẫn nằm lại đâu đó nơi đầu núi cuối sông không về..., anh con rể của Trâm (người Cuba) cứ tròn mắt ngạc nhiên. Cháu càng ngạc nhiên hơn khi nghe tôi kể với Trâm kỷ niệm không quên trong ngày nhập ngũ. Ngày ấy, khi tôi còn lớ ngớ trong bộ quân phục thì cô bạn cùng lớp của Trâm dúi vào tay Quế (bạn học hơn tôi 2 tuổi, cùng nhập ngũ) chiếc khăn rồi đỏ mặt ù té chạy, khiến tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Tối về chỗ đóng quân, truy hỏi, Quế mới cho xem chiếc khăn thêu hàng chữ run rẩy: Anh đi chiến đấu sa trường/Đừng quên em gái hậu phương đợi chờ…


Mấy tháng sau, Quế hy sinh tại Gio An, cũng là khi tôi chợt hiểu đó là kỷ vật biểu cảm tình yêu đầu đời của con trai, con gái. Để bây giờ gặp nhau khi đã nên ông, thành bà, tôi đọc cho bạn nghe mấy câu thơ tôi viết: Ngày yêu ai cũng có hoa/Chạnh lòng lại nhớ bạn ta cuối rừng/Nụ hôn thuở ấy chưa từng/Cánh hoa phượng cũng ngập ngừng trao nhau/Góc khăn thêu thắm chỉ màu/Đường kim vụng dại giấu vào yêu thương/Ngày yêu một nhánh hoa rừng lẻ loi/Chạnh lòng thương lắm bạn ơi/Ngàn hoa xin gửi bạn tôi cuối rừng…


LÊ BÁ DƯƠNG