10:10, 07/10/2022

Giúp học sinh thêm yêu di sản văn hóa

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các trường tổ chức các hoạt động nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về giá trị di sản văn hóa cho học sinh. Những kết quả ban đầu sẽ là tiền đề thúc đẩy hoạt động này diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn.

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các trường tổ chức các hoạt động nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về giá trị di sản văn hóa cho học sinh (HS). Những kết quả ban đầu sẽ là tiền đề thúc đẩy hoạt động này diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn.


Những tín hiệu khả quan


Trong dịp Tết Trung thu vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với một số tổ chức thiện nguyện, mạnh thường quân tổ chức cho 150 HS dân tộc thiểu số của Trường Tiểu học Suối Tiên (huyện Diên Khánh) và Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (huyện Cam Lâm) đến tham quan, vui chơi. Tại đây, các em không chỉ tham gia các hoạt động vui chơi, văn nghệ mà còn được nhân viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật được trưng bày. Trước đó, đơn vị đã nhiều lần đón tiếp các đoàn HS trong tỉnh đến tham quan. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn chủ động phối hợp với các trường để đưa hình ảnh, tư liệu về các giá trị văn hóa, lịch sử giới thiệu tại các trường.

 

Các học sinh ở TP. Nha Trang tham gia Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa năm 2022.

Các học sinh ở TP. Nha Trang tham gia Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa năm 2022.


Đối với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, sau thời gian tổ chức hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đã thu hút hơn 30 trường với gần 1.600 HS và giáo viên tham gia. Các HS, giáo viên được giới thiệu, tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm một cách trực quan, sinh động về các giá trị to lớn của hai di tích, danh thắng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai cuộc thi trực tuyến tìm hiểu di sản văn hóa trên website của đơn vị. Kết thúc cuộc thi, đơn vị đã nhận được gần 4.000 bài dự thi của HS trên địa bàn tỉnh. Nhiều bài thi có chất lượng tốt và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi đã được trao các giải hàng tuần.


Ngoài ra, trong tháng 10, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh còn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa năm 2022. Sau 2 năm bị gián đoạn do tình hình dịch Covid-19, hội thi năm nay đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các trường. Thông qua đó, mỗi địa phương chọn ra đội thi xuất sắc nhất để tham gia Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp tỉnh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10.


Hướng tới sự hợp tác thường xuyên hơn


Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đơn vị đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang để đưa HS đến tham quan, tìm hiểu, học tập vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa. Để việc triển khai kế hoạch diễn ra hiệu quả, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng các chuyên đề trưng bày, triển lãm theo những chủ đề phù hợp với HS. Về lâu dài, khi dự án số hóa Bảo tàng tỉnh được triển khai và đi vào hoạt động, việc tổ chức các buổi tham quan cho HS sẽ có sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức trưng bày, triển lãm. Mục tiêu của đơn vị là sẽ phối hợp được với tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh để ngày càng có nhiều HS đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh và trở thành địa chỉ quen thuộc của HS, giáo viên các trường.


Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được về các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu di sản văn hóa đã diễn ra, đơn vị sẽ tiếp tục lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới với những đổi mới cần thiết để HS, giáo viên tích cực tham gia hơn. Trung tâm cũng sẽ chuẩn bị tốt hơn cả về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động, cũng như đội ngũ tham gia trực tiếp các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm di sản văn hóa.  


Được biết, trong chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho HS là một nội dung quan trọng. Nhiều năm nay, giáo dục địa phương ở các lĩnh vực ngữ văn, lịch sử, địa lý… được đưa vào chương trình dạy học cho HS. Chính vì thế, vấn đề phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Văn hóa để tổ chức cho HS đến tìm hiểu, trải nghiệm tại các di tích, danh thắng, bảo tàng là nhu cầu thực tế của các trường. Nếu tổ chức tốt hoạt động này sẽ giúp HS có được nhận thức từ thực tế để hiểu, cảm nhận rõ hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa ở địa phương mình sinh sống.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh: Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị của ngành Văn hóa với các trường học tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm, mang đến những lợi ích thiết thực đối với việc dạy học trong nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có những hạn chế trong việc thực hiện nội dung này. Để góp phần làm cho hoạt động trải nghiệm của HS được hiệu quả, cần có sự quan tâm nhiều hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tỉnh cũng cần quan tâm đến việc nâng cấp Bảo tàng tỉnh xứng tầm và trở thành một địa chỉ học tập của HS. Việc thực hiện các hoạt động phối hợp để tạo dần thói quen cho HS đến trải nghiệm ở bảo tàng, di tích, danh thắng cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn.


Giang Đình