09:07, 10/07/2018

Đề xuất ý tưởng xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa mới

Mới đây, Hội đồng tư vấn đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành như: GS Lê Văn Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, TS. Nguyễn Viết Chức, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong tỉnh đã tìm hiểu thực tế và làm việc để thống nhất ý tưởng đề xuất xây dựng Bảo tàng tỉnh mới. 

Mới đây, Hội đồng tư vấn đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành như: GS Lê Văn Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, TS. Nguyễn Viết Chức, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong tỉnh đã tìm hiểu thực tế và làm việc để thống nhất ý tưởng đề xuất xây dựng Bảo tàng tỉnh mới. 
 
 
Bảo tàng tỉnh mới sẽ có tổng diện tích 14.900m2 ở khu vực sân bay Nha Trang cũ. Trong đó, diện tích xây dựng hai khối nhà trưng bày và khu nhà hành chính sẽ từ 3.000 đến 4.000m2. Diện tích còn lại sẽ là không gian công viên bảo tàng, vườn tượng với mặt trước kiến trúc theo chủ đề văn hóa biển, phía sau kiến trúc theo chủ đề văn hóa núi rừng. Tòa nhà trưng bày của bảo tàng được đề xuất thiết kế theo hình tượng con tàu - biểu trưng hình ảnh Khánh Hòa biển sẽ có 3 tầng nổi, 1 tầng hầm. Ở đây sẽ có các không gian trưng bày chuyên đề, tiền sảnh, chuẩn bị trưng bày, khám phá sáng tạo, hội trường, giáo dục, kho bảo quản. Khu nhà hành chính sẽ kiến trúc theo mô hình Tháp Bà - biểu trưng cho Khánh Hòa núi có 2 tầng nổi và 1 tầng hầm. Trong tòa nhà này sẽ có không gian dịch vụ ăn uống, lưu niệm, khu hành chính, khu làm việc của nhân viên, khu phụ trợ.
 
 
Theo ý kiến của các thành viên hội đồng, đề án bảo tàng mới phải tập trung giới thiệu về lịch sử, văn hóa các dân tộc của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu tham quan của người dân và du khách, có đóng góp cho sự tăng trưởng du lịch, kinh tế, nhưng vẫn ưu tiên không gian học tập, giáo dục đối với thế hệ trẻ. Hình thức trưng bày bảo tàng mới phải hiện đại, đẹp, hấp dẫn và sống động. Các hiện vật trưng bày phải sử dụng hiện vật gốc với sự hỗ trợ công nghệ mới, hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Ý tưởng trưng bày không lặp lại mô típ các bảo tàng khác, cần xác định cụ thể từng chuyên đề trưng bày theo hướng sát thực, sinh động, cảm xúc. “Thiết kế công trình bảo tàng mới phải hiện đại, độc đáo, đậm bản sắc Khánh Hòa. Khuôn viên bảo tàng phù hợp với cảnh quan không gian xung quanh. Đây sẽ là công trình mở để đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển lâu dài trong tương lai. Công trình phải có sự tiết kiệm tối đa khi vận hành và đảm bảo an ninh, an toàn trước các yếu tố thiên tai”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
 

 

Người dân đến xem một triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh minh họa)

Người dân đến xem một triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh minh họa)

 
 
Theo GS Lê Văn Lan, nội dung trưng bày bảo tàng mới gồm 7 phần trưng bày và 1 vĩ thanh. Cụ thể, phần 1 của bảo tàng sẽ có tên gọi Khánh Hòa tự giới thiệu; phần 2:  Người xưa ở Khánh Hòa; phần 3: Khánh Hòa thời vương quốc Chăm pa; phần 4: Khánh Hòa và Người Việt; phần 5: Khánh Hòa thời Người Pháp; phần 6: Khánh Hòa thời hiện đại; phần 7: Cuộc sống văn hóa các dân tộc ở Khánh Hòa; phần vĩ thanh có gọi tên Khánh Hòa với tương lai. Trên cơ sở các phần trưng bày với các đơn vị trưng bày, đơn nguyên trưng bày được hoạch định sẵn như thế là rất cần thiết. 
 
 
“Hình thức trưng bày bảo tàng mới không thực hiện theo mô típ bày cổ vật thuần túy mà dùng các hình thức ngôn ngữ theo kiểu kể chuyện dựa vào các tài liệu, hiện vật kết hợp với màu sắc, âm thanh và công nghệ hiện đại để thuyết minh, giới thiệu. Chính vì thế, việc phân bố mặt bằng trưng bày có thể định ra các thành phần có tỷ lệ tương ứng”, TS Nguyễn Viết Chức cho biết. 
 
 
Ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho biết: “Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long được chọn để giới thiệu. Đây là đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở pháp lý, đội ngũ chuyên gia, năng lực thực tiễn. Ngoài ra, đơn vị còn có đông đảo lực lượng cộng tác viên gồm các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm thực tiễn và đã tư vấn nhiều công trình khoa học trong cả nước. Đơn vị này đã tư vấn xây dựng: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Côn Đảo, Bảo tàng văn hóa Huế, Bảo tàng Tôn Đức Thắng…”.
 
 
Giang Đình
 
 

 

Trong buổi làm việc với Hội đồng tư vấn đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thống nhất với ý tưởng của các thành viên hội đồng đưa ra. Ông yêu cầu Ban chỉ đạo cần thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để hỗ trợ trong các khâu xây dựng và trưng bày. Trước mắt, các đơn vị chức năng cần thực hiện việc kiểm kê cụ thể các hiện vật để phục vụ cho việc trưng bày sau này. Việc xây dựng Bảo tàng tỉnh phải được thực hiện chặt chẽ, từng bước.
 
 
________________________________________________
 
 
Theo kế hoạch số 3577 ngày 16-4-2018 của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng Bảo tàng tỉnh, trong giai đoạn 2018 - 2020, triển khai các nội dung công việc cần thiết từ ý tưởng về nội dung, hình thức của bảo tàng đến lập đề án xây dựng, lập và triển khai các dự án thành phần. Giai đoạn 2020 - 2021, sẽ thành lập Ban Quản lý xây dựng Bảo tàng tỉnh, và trong năm 2021, việc xây dựng Bảo tàng tỉnh sẽ được triển khai. Kinh phí xây dựng sẽ được sử dụng từ ngân sách.