11:10, 06/10/2017

Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số luôn được ngành Văn hóa và các địa phương quan tâm. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) của các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được ngành Văn hóa và các địa phương quan tâm. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của DTTS trên địa bàn Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020.


Đề án chủ yếu tập trung kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của 3 DTTS tiêu biểu của Khánh Hòa: Raglai, T’rin, Êđê tại 6 địa phương: Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh có hẳn một đề án dành riêng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH điển hình của các DTTS. Mục tiêu của đề án là huy động nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, ở đây là văn hóa truyền thống của các DTTS; có giải pháp hiệu quả kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH của 3 dân tộc Raglai, T’rin, Êđê; giới thiệu và quảng bá DSVH điển hình của các dân tộc này đến với công chúng, nhất là du khách và thế hệ trẻ”.

 

Nhiệm vụ trọng tâm của đề án là nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh; tiến hành kiểm kê theo 3 nhóm đối tượng: di vật, cổ vật; di tích để nhận diện, xác định giá trị của di sản từ đó triển khai các hoạt động sưu tầm và bảo quản theo quy trình khoa học. Bên cạnh đó, đề án còn đặt nhiệm vụ đánh giá thực trạng trưng bày về DSVH điển hình của các DTTS tại Bảo tàng tỉnh, từ đó tiến hành chỉnh lý, nâng cấp các bộ sưu tập, tạo hấp dẫn với người xem; đổi mới nội dung, đa dạng hóa về hình thức giới thiệu, quảng bá DSVH điển hình các DTTS, trong đó chú trọng đến việc giới thiệu, trưng bày ở các trường học trên địa bàn tỉnh…

 

Trưng bày các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số trong Ngày hội Văn hóa  các dân tộc Việt Nam của tỉnh Khánh Hòa 2017

Trưng bày các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam của tỉnh Khánh Hòa 2017

 

Từ các nhiệm vụ đó, đề án xác định sẽ có 5 dự án thành phần: nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh; kiểm kê DSVH truyền thống điển hình của 3 dân tộc Raglai, T’rin, Êđê; sưu tầm, bảo quản, trưng bày DSVH truyền thống điển hình của 3 dân tộc Raglai, T’rin, Êđê; giới thiệu, quảng bá DSVH điển hình của các DTTS trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về DSVH truyền thống điển hình của các DTTS.


Nguồn kinh phí để thực hiện đề án gồm ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác. Trong đó, kinh phí nhà nước thực hiện được lấy trong ngân sách hàng năm của Sở Văn hóa - Thể thao và các sở, ngành, địa phương có liên quan; lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Theo ông Lê Văn Hoa, khi thực hiện đề án, ngân sách của Trung ương sẽ tập trung cho việc: nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực; giới thiệu, quảng bá giá trị DSVH; xây dựng cơ sở dữ liệu DSVH truyền thống điển hình của các DTTS. Ngân sách của tỉnh sẽ chi cho việc: kiểm kê, sưu tầm di vật, cổ vật quý hiếm; bảo quản cấp thiết và chỉnh lý, nâng cấp trưng bày DSVH truyền thống điển hình của các dân tộc.


Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã làm khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH nói chung và DSVH của các DTTS nói riêng. Ngành Văn hóa đã tổ chức sưu tầm và nghiên cứu, xuất bản được 2 tập sử thi Raglai, tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai, phục dựng lễ bỏ mả của người Raglai, lễ cúng bến nước của người Êđê. Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều triển lãm về hiện vật văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, các chương trình nghệ thuật quần chúng cũng đã trình diễn nhiều tiết mục hòa tấu nhạc cụ, các điệu hát múa… của các dân tộc Raglai, Êđê. Việc UBND tỉnh phê duyệt đề án đã mở ra cơ hội để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH các DTTS một cách toàn diện hơn. “Chúng tôi hy vọng, đề án này sẽ tác động rất lớn vào cộng đồng, nhất là lớp trẻ, giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến bày tỏ.


XUÂN THÀNH