11:05, 22/05/2015

Văn học thiếu nhi: Đừng quên vai trò người đọc

Việc văn học thiếu nhi Việt Nam rất ít tác phẩm mới đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, ít người đề cập đến vai trò của độc giả trong việc thúc đẩy nhà văn sáng tác.

Việc văn học thiếu nhi Việt Nam rất ít tác phẩm mới đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, ít người đề cập đến vai trò của độc giả trong việc thúc đẩy nhà văn sáng tác.


Ít tác phẩm mới


Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17-5-1925 - 17-5-2015), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng in lại Đất rừng phương Nam với số lượng 1.925 bản. Sách được chăm chút về mặt thiết kế với bìa carton in nổi rất đẹp, cùng nhiều ảnh minh họa. Trong tháng 3-2015, NXB Kim Đồng cũng đã tái bản loạt tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng (nguyên là chiến sĩ thông tin tại chiến trường Lào) như: Mùa săn trên núi, Giữ lấy bầu mật, Con culi của tôi, Sao Sao, Các bạn của Đam Đam, Sống giữa bầy voi, Chú ngựa đồng cỏ, Những kẻ lưu lạc, Con voi xa đàn, Vườn chim, Phượng hoàng đất... Việc các tác phẩm này được xuất hiện trở lại bên cạnh giá trị tự thân của nó còn phản ánh một thực tế, văn học thiếu nhi trong nước hiện nay quá ít tác phẩm mới.

 

Tác phẩm  Đất rừng phương Nam  do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tái bản.
Tác phẩm Đất rừng phương Nam do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tái bản


Vào các nhà sách ở Nha Trang có thể thấy, văn học Việt dành cho thiếu nhi quanh đi quẩn lại cũng chỉ là Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Quê nội (Võ Quảng), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương), Chuyện hoa chuyện quả (Phạm Hổ)... Các tác phẩm đương đại gần như chỉ có sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như: Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bê-tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Bảy bước tới mùa hè.


Trước sự thiếu vắng tác phẩm mới, các đơn vị làm sách uy tín trong nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh việc làm mới các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Kim Đồng còn xuất bản những tác phẩm viết cho thiếu nhi nổi tiếng của Nga như: Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (Nicolay Nosov), Bác sĩ Ai -bô-lít  (Koney Chukovsky) - từng được độc giả Việt Nam biết đến với các ấn phẩm của NXB Cầu Vồng (Liên Xô). Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Nga như: Bác Phi-ô-đo, con chó và con mèo, Cá sấu Ghena và các bạn (Eduard Uspenski). Ngoài ra, Nhã Nam còn tuyển chọn một số tác phẩm nổi tiếng của các nước phương Tây để xuất bản như: Nhóc Nicolas - những chuyện chưa kể,  Cédric - Tôi thích đi học (Pháp), Pippi tất dài và Lại thằng nhóc Emil (Thụy Điển)...  Những cuốn sách này phần nào đã khỏa lấp đi sự thiếu vắng các tác phẩm viết cho thiếu nhi trong nước, giảm bớt sự “độc tôn” của truyện tranh ở mảng sách thiếu nhi.


Cần sự thay đổi từ người đọc


Chuyện văn học thiếu nhi Việt Nam ngày càng ít tác phẩm mới đã được nói nhiều, nhưng ít người đề cập đến vai trò của người đọc như một yếu tố thúc đẩy người sáng tác. Đến các nhà sách, độc giả ở lứa tuổi thiếu nhi thường chú ý đến truyện tranh hơn là sách văn học, sự ủng hộ dành cho văn học thiếu nhi Việt Nam còn ít hơn. Đa số các em háo hức đón chờ những Harry Poster hay Thám tử Conan, chứ rất ít để mắt hay thả hồn mình theo những Đất rừng phương Nam, Quê nội, Dế mèn phiêu lưu ký...

 

Thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh hơn sách văn học.
Thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh hơn sách văn học


Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để văn học thiếu nhi trong nước khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của giới cầm bút, các đơn vị làm sách, sự ủng hộ của bạn đọc là một yếu tố quan trọng. Trước hết, nhà trường, gia đình nên khuyến khích các em nhỏ đọc sách văn học thiếu nhi thay vì chỉ đọc truyện tranh thiên về giải trí, trong đó có những tác phẩm nặng tính bạo lực, hình minh họa và lời văn không phù hợp. Hơn nữa, chính tác phẩm văn học sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.


Những ai đã từng theo chân cậu bé An (nhân vật chính của Đất rừng phương Nam) phiêu bạt khắp miền “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh” chắc hẳn sẽ không thể nào quên những trang sách miêu tả cảnh câu rắn, bắt cá sấu, nuôi ong lấy mật trong rừng hay cảnh An và cha nuôi chạm trán với hổ. Và chắc hẳn cũng không quên được tình người đơn sơ, giản dị cùng tính hào sảng, trọng nghĩa khí của người phương Nam. Những người đã đọc Quê nội của Võ Quảng sẽ thấy cuộc phiêu lưu của 2 cậu bé Cục và Cù Lao ở làng Hòa Phước, Quảng Nam hấp dẫn, sinh động không kém những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckleberry Finn trong tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Tawin (Mỹ)...


Chuyện văn học thiếu nhi Việt kém khởi sắc không có gì mới và cũng không thể thay đổi trong thời gian ngắn, hơn ai hết chính người đọc cần gạn đục khơi trong, chọn lựa cho mình những tác phẩm phù hợp.


THÀNH NGUYỄN