10:04, 29/04/2016

Sức sống những bức ảnh về Trường Sa

Nhiều năm qua, các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa đã nối tiếp nhau đến với Trường Sa để ghi lại những hình ảnh chân thực, xúc động về đời sống của quân dân huyện đảo, từ hình ảnh Trường Sa gian khổ, kiên cường những năm đầu giải phóng đến một Trường Sa đầy sức sống hôm nay...

Nhiều năm qua, các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ở Khánh Hòa đã nối tiếp nhau đến với Trường Sa để ghi lại những hình ảnh chân thực, xúc động về đời sống của quân dân huyện đảo, từ hình ảnh Trường Sa gian khổ, kiên cường những năm đầu giải phóng đến một Trường Sa đầy sức sống hôm nay...


Câu chuyện Trường Sa qua ảnh


Nhân dịp Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII năm 2016 tổ chức ở Nha Trang, Ban tổ chức đã mời NSNA Trần Minh Ngọc triển lãm bộ ảnh “Trường Sa thân yêu” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú, Nha Trang). Đây là lần thứ 8 bộ ảnh này được triển lãm phục vụ công chúng kể từ năm 2013 đến nay. NSNA Trần Minh Ngọc cho biết: “Tôi có may mắn từng 3 lần đi Trường Sa nên có rất nhiều kỷ niệm với vùng biển đảo này. Trong các chuyến đi ấy, tôi đã thực hiện một số bài viết và phóng sự ảnh về Trường Sa, phản ánh cuộc sống của quân và dân huyện đảo, tình cảm sâu nặng giữa đất liền với đảo xa... Dẫu vậy, tôi vẫn luôn cảm thấy mình mắc nợ Trường Sa quá nhiều. Chính vì vậy, khi có lời mời triển lãm ảnh về Trường Sa, tôi đã nhận lời, bởi đó là cách để “trả nợ” Trường Sa, cũng là để công chúng, nhất là lớp trẻ hiểu và thêm yêu Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lộc Thọ, TP. Nha Trang xem triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Minh Ngọc
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lộc Thọ, TP. Nha Trang xem triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Minh Ngọc


Tại triển lãm này, NSNA Trần Minh Ngọc đã sắp xếp 60 bức ảnh hình thành một câu chuyện xúc động về hành trình đến với Trường Sa, trong đó có 16 bức ảnh mới chụp trong chuyến đi năm 2014. Đến với triển lãm, người xem thấy được những khuôn hình đầy cảm xúc về buổi tiễn đưa trên bến cảng, ở đó có giọt nước mắt nhớ thương, cái vẫy tay của người vợ, người yêu của những người lính đảo; cảnh những chuyến tàu cập đảo đưa khách lên thăm các đảo; phong cảnh của đảo nhìn từ xa và từ trên cao. Người xem sẽ thấy sự đổi thay của Trường Sa qua hình ảnh những tua-bin điện gió vươn thẳng trên bầu trời, mái chùa cong cong hòa trong màu xanh cây lá của Trường Sa, những căn nhà mái ngói đỏ tươi của người dân trên đảo... Từ cái nhìn toàn cảnh, nghệ sĩ dẫn dắt người xem đến với những khuôn hình trung và cận cảnh, ghi lại hoạt động của chiến sĩ và người dân trên đảo như: một buổi duyệt binh kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa; các chiến sĩ tuần tra lúc chiều về; lính trẻ bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền; cảnh các em nhỏ học hành và hồn nhiên vui đùa trên đảo. Triển lãm đương nhiên không thể thiếu hình ảnh về lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Trường Sa, trong đó có 64 người lính đã hy sinh trong cuộc chiến giữ chủ quyền ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Câu chuyện về Trường Sa khép lại với hình ảnh về tình gắn kết giữa quân dân trên đảo và những cái vẫy tay, lời hát nặng ân tình đất liền với đảo xa lúc chia tay.


Triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu” đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phóng viên, nhà báo đến từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Nhà báo Thu Thủy (Đài Tiếng nói Việt Nam) bày tỏ: “Triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu” đã giúp tôi có cái nhìn cận cảnh về Trường Sa hôm nay. Tôi thật sự xúc động khi được xem những bức ảnh về lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Trường Sa; hình ảnh các em nhỏ học hành và hồn nhiên vui đùa trên đảo… Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, sự hy sinh của những người lính hôm qua đã góp phần làm nên sức sống của Trường Sa hôm nay”.


Còn mãi những cảm xúc thiêng liêng


Không riêng gì bộ ảnh của NSNA Trần Minh Ngọc, tất cả những bức ảnh về Trường Sa luôn đem lại những cảm xúc thiêng liêng cho người xem. Ở Khánh Hòa, nhiều NSNA, nhà báo đã được công chúng nhắc nhớ bởi những khuôn hình về Trường Sa. Có thể kể đến NSNA Quang Ngọc, Long Thành với những bức ảnh về Trường Sa những năm đầu thập niên 1980; nhà báo Nguyễn Viết Thái với bộ ảnh Trường Sa năm 1988; rồi những bức ảnh của NSNA - nhà báo Lê Bá Dương, NSNA Văn Thành Châu, Nguyễn Đình Quân trong những năm gần đây. Còn nhớ, năm 2013, kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma, nhiều người đã rất xúc động nhìn lại hình ảnh về những căn nhà cao chân chênh vênh giữa sóng gió trên các đảo chìm; cảnh lính công binh xây dựng nhà lâu bền trên đảo Núi Le; màn diễn tập chiến đấu của những người lính đảo giữa bãi đá san hô khô cằn như hoang mạc; cảnh văn công hát bên mâm pháo… do nhà báo Nguyễn Viết Thái lưu giữ từ chuyến đi năm 1988. Những bức ảnh chân thực ấy đã cho người xem thấy được sự đổi thay từ một Trường Sa gian khổ, kiên cường những năm đầu giải phóng đến một Trường Sa đầy sức sống hôm nay.


Sẽ thật ý nghĩa biết bao nếu trong một ngày gần đây, các NSNA của Khánh Hòa sẽ cùng nhau triển lãm một bộ ảnh về Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của đất mẹ Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.


THÀNH NGUYỄN