10:01, 21/01/2016

Gieo chữ nơi đảo xa

Giữa trùng khơi sóng gió, cuộc sống còn nhiều gian khó, những giáo viên trẻ ở đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa) vẫn hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ cho những học trò thân thương.

Giữa trùng khơi sóng gió, cuộc sống còn nhiều gian khó, những giáo viên trẻ ở đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa) vẫn hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ cho những học trò thân thương.


Trường Tiểu học Song Tử Tây có những lớp học thật đặc biệt, còn gọi là lớp học “3 trong 1”, bởi lẽ lớp vừa có học sinh lớp 1, vừa có học sinh lớp 4 và cả các bé đang học mẫu giáo. Phụ trách lớp học là 2 thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết và Lê Quang Mạnh, cùng quê ở huyện Vạn Ninh.

 


Thầy Quyết tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, còn thầy Mạnh học Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Năm 2013, hai anh đã viết đơn xung phong tình nguyện ra Trường Sa dạy học. “Trong suy nghĩ của tôi cũng như những người làm nghề giáo khác, công tác ở Trường Sa là một vinh dự lớn khi được đóng góp sức lực của mình, chung tay xây dựng biển đảo quê hương” - thầy Quyết bộc bạch.


Với 2 thầy, dạy lớp ghép cũng có khó khăn nhưng không kém phần thú vị. Thầy Quyết cho biết, quan trọng nhất là phải biết dung hòa các học sinh mầm non đang trong độ tuổi vui chơi, ăn ngủ với các học sinh tiểu học cần sự tập trung để học tập. Bên cạnh đó, các thầy còn phải thường xuyên mày mò, tìm tòi sáng tạo phương pháp phù hợp để khi giảng bài tạo sự hấp dẫn và dễ hiểu.

 

Buổi học của thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây
Buổi học của thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây


Thầy Mạnh chia sẻ, dạy học ở đảo khá khó khăn và khác với đất liền. Do cơ sở vật chất chưa đầy đủ nên nhiều đồ dùng dạy học các thầy phải tự sáng tạo. Bài giảng trong sách giáo khoa, lúc dạy, các thầy phải diễn đạt bằng những từ dễ hiểu và gần gũi nhất vì nhiều điều trong sách giáo khoa không có ở đảo. Chính vì thế, nhân các dịp nghỉ phép hiếm hoi hàng năm, mỗi lần được về đất liền, các thầy lại tranh thủ tham gia các lớp bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức, tìm kiếm những vật dụng để làm đồ dùng giảng dạy. Được sự quan tâm, giúp đỡ từ các đơn vị, địa phương, hiện trường đã có máy vi tính kết nối mạng Internet, các thầy có thể tìm tòi thêm tài liệu để bổ sung vào bài giảng của mình. Một điều thú vị khác là việc dạy hát múa cho các em. “Chúng tôi phải thường xuyên nghe các bài nhạc, tập hát, múa nhuần nhuyễn rồi mới dạy lại cho các em. Lúc đầu chưa quen lắm, nhưng qua một thời gian lại thấy rất hay, có khi về đất liền, tôi và thầy Quyết dạy múa, hát không kém gì các cô giáo” - thầy Mạnh nói vui.


Điều đáng mừng là kết quả học tập của các em qua từng năm đều đạt khá, giỏi trở lên, kiến thức cũng đảm bảo để khi các em vào đất liền có thể theo kịp và tiếp nối thành tích đạt được. Thầy Mạnh cho biết, công việc dạy học trên đảo tuy vất vả nhưng niềm vui với các thầy là các em rất ngoan và chăm học. Anh Nguyễn Tấn Kiệt, phụ huynh em Nguyễn Hà Bảo Châu chia sẻ: “Học ở lớp có nhiều học sinh với cấp độ khác nhau, nhưng các thầy vẫn dạy kỹ, không để sót kiến thức. Đợt vừa rồi có dịp đưa gia đình về đất liền, tôi nhờ thầy cô khác cho cháu làm bài kiểm tra thử, kết quả rất tốt, mọi người đánh giá học lực của cháu đạt khá giỏi”.


Dốc hết tâm sức để ươm mầm những “chồi non” giữa đảo xa, các giáo viên ở Song Tử Tây với những lớp học 3 trong 1 của mình đã và đang khẳng định năng lực chuyên môn, tấm lòng thương yêu học trò, tạo được niềm tin yêu của quân và dân nơi đầu sóng.


VĨNH THÀNH