04:06, 05/06/2013

Để Trường Sa phát triển xứng với tiềm năng

Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng, Trường Sa còn là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật nhất là tiềm năng về nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng, Trường Sa còn là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật nhất là tiềm năng về nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.


Phát triển nông nghiệp ở Trường Sa


Đầu tháng 5-2013, đoàn các nhà khoa học và nhà báo đã có chuyến nghiên cứu thực tế tại Trường Sa. Mỗi người một cảm xúc, một trải nghiệm nhưng tất cả đều có chung cảm nhận “Trường Sa rất giàu và đẹp”. Và với những kiến thức, khả năng của mình, các nhà khoa học mong muốn sẽ góp phần làm cho Trường Sa ngày càng phát triển hơn.

 Màu xanh bao trùm đảo Trường Sa Lớn.
Màu xanh bao trùm đảo Trường Sa Lớn.


Khi khảo sát thực tế trên các đảo, Tiến sĩ Lại Đình Hòe - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ nhận xét: “Tuy điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng quần thể thực vật trên các đảo khá đa dạng. Cán bộ, chiến sĩ đã trồng được những cây phù hợp với điều kiện trên đảo như: bàng vuông, phong ba, tra, rau xanh các loại... Vì vậy, trước mắt, bằng những biện pháp khoa học kỹ thuật, chúng ta có thể nâng cao năng suất các loại cây trồng trên để cải thiện môi trường và đáp ứng nhu cầu rau xanh cho đảo. Về lâu dài, chúng ta nên nghiên cứu trồng thêm một số giống cây khác có tính chịu hạn, chịu mặn”. Đảm trách vai trò trưởng nhóm nông nghiệp của chuyến đi, Tiến sĩ Lại Đình Hòe đã cùng các nhà khoa học khảo sát điều kiện trồng trọt trên các đảo. Dựa vào đặc điểm thích nghi của các loại cây trồng, nhóm đã đưa ra những đề xuất, giải pháp thiết thực, cụ thể. Để hạn chế gió mang hơi muối trong mùa mưa, ảnh hưởng đến rau xanh, nhóm nghiên cứu đề xuất các đảo nên sử dụng hệ thống che chắn gió bằng những tấm composite di động với kích thước phù hợp; các tấm lưới đen che bên trên các luống rau để giảm cường độ chiếu sáng trong mùa khô. Phương pháp trồng rau cũng có thể cải tiến bằng cách trải bạt bên dưới các chậu rau nhằm tiết kiệm nước tưới. Các nhà khoa học cũng đề xuất trồng thử nghiệm cây neem (xoan chịu hạn) trên các đảo nổi để làm cây bóng mát và sử dụng lá, quả phòng trừ sâu bệnh cho rau trồng. Các đảo cũng cần được cung cấp thêm các loại phân bón lá, phân vi sinh và phân bón sinh học đậm đặc nhằm giảm thiểu sử dụng phân tươi trong quá trình chăm sóc cây trồng.

Âu tàu và khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Song Tử Tây.
Âu tàu và khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Song Tử Tây.


Tiến sĩ Võ Văn Minh - Trưởng Khoa Sinh - Môi trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đề xuất trồng rau thủy canh ở các đảo chìm và cỏ Vetiver để cải tạo môi trường trên các đảo nổi. Theo Tiến sĩ Minh, với những khó khăn về diện tích, nước ngọt và điều kiện tự nhiên, phương pháp trồng rau thủy canh ở đảo chìm khá phù hợp. Đây là phương pháp trồng cây không cần đất, dinh dưỡng cung cấp cho cây dưới dạng hòa tan. So với cách trồng rau bằng đất, phương pháp trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như: Dễ thích ứng với các điều kiện tự nhiên ở đảo, năng suất cao, không sâu bệnh và cho sản phẩm an toàn. Được biết, năm 2012, Tiến sĩ Võ Văn Minh đã thực hiện thành công dự án trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh ở TP. Đà Nẵng. Với những kinh nghiệm và thông tin thu thập được qua quá trình khảo sát thực tế tại các đảo ở Trường Sa, Tiến sĩ Minh cho rằng, phương pháp trồng rau thủy canh sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn rau xanh cho đảo, đặc biệt là các đảo chìm. Trong khi đó, với diện tích lớn (chủ yếu là đất trộn san hô, khó trồng cây), các đảo nổi có thể trồng loại cỏ vetiver (hay còn gọi là cỏ hương bài, cỏ hương lau) để cải tạo đất, giữ nước và tạo cảnh quan môi trường. Thân cỏ vetiver mọc thành bụi dày đặc, có dạng cọng, chắc, đặc, cứng và hóa gỗ. Sau 2 năm trồng, rễ chùm của cỏ vetiver cắm sâu 3 - 4m nên có thể chịu đựng được khô hạn. Cỏ Vetiver sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh thành dạng bụi rậm, che phủ được diện tích rộng nên sẽ giúp hạn chế nước bốc hơi trên các đảo ở Trường Sa. Thân, lá, rễ cỏ Vetiver khi chết được vùi lấp vào trong đất sẽ phân hủy thành chất hữu cơ làm cho đất trở nên tơi xốp và thoáng hơn.

Vườn rau tăng gia trên đảo chìm Đá Lớn A.
Vườn rau tăng gia trên đảo chìm Đá Lớn A.


Bên cạnh trồng trọt, vấn đề chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được đoàn quan tâm. Các đảo nổi như: Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn đã bước đầu hình thành khu vực chăn nuôi tập trung với các loại vật nuôi như: bò, heo, gà, vịt. Tuy nhiên, các đảo cần vệ sinh, khử độc khu vực chăn nuôi sau mùa mưa hàng năm; đồng thời, cần thay thế giống mới để tránh hiện tượng cận huyết và có giống mới tốt hơn. Thạc sĩ Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Trường Sa, Vùng 4 Hải quân  để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng quy trình phòng dịch cho các loại gia súc, gia cầm... cho một số cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trước khi ra đảo công tác, sinh sống. Đồng thời, Sở sẽ cung cấp thuốc, vắc xin phòng bệnh và các tài liệu, tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm cho quân và dân trên đảo”.


Sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản

 Thu hoạch rong nho tại Vùng 4 Hải quân. DSC05545:
Thu hoạch rong nho tại Vùng 4 Hải quân.


Trồng rong nho là một trong những giải pháp được nhiều nhà khoa học và Ban chỉ huy các đảo quan tâm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Trường Sa. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa - Trưởng Phòng Thực vật biển (Viện Hải dương học), chủ nhiệm đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quan rong nho” cho biết: “Các đảo ở Trường Sa có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng rong nho như: Môi trường nước sạch, độ mặn ổn định… Nếu được chuyển giao, rong nho sẽ bổ sung một phần rau xanh cho đảo, đặc biệt là trong mùa mưa bão khi các loại rau xanh khác khó phát triển”. Được biết, đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quan rong nho” đã được Viện Hải dương học thực hiện thành công tại Vùng 4 Hải quân. Trong thời gian 2 tháng kể từ khi trồng, rong nho cho thu hoạch từ 7 - 8kg/m2 (rong nho toàn tảng), trong đó rong nho thân đứng để ăn khoảng 3kg/m2. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, rong nho sẽ cho thu hoạch quanh năm. Nhóm đề tài cũng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rong nho cho gần 40 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Vùng 4 Hải quân. Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa, rong nho là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Trong khi đó, rong nho lại có nhiều đặc điểm phù hợp nếu được trồng trên các đảo ở Trường Sa như: Trồng linh động trong bể composite hoặc bể xi măng; không sử dụng nước ngọt; cho thu hoạch quanh năm…


Các đảo ở Trường Sa đã và đang khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản phong phú để cải thiện chất lượng bữa ăn cho quân và dân trên đảo. Tuy nhiên, các đảo cần quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó nên hạn chế vấn đề xả chất thải rắn ra môi trường biển. Trong quá trình nghiên cứu thềm san hô quanh đảo, các nhà khoa học cũng phát hiện một số rong biển như: rong sụn, rong câu, rong kỳ lân… Tuy nhiên, để khai thác được các loại rong biển phục vụ đời sống của quân và dân trên đảo thì phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn. Ở Trường Sa, đảo Đá Tây và đảo Song Tử Tây là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tại đây đã hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá, âu tàu tránh bão nhằm cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, sửa chữa tàu cá và là nơi trú bão cho bà con ngư dân. Trong thời gian tới, các đảo này có thể nuôi trồng và trao đổi một số loại thủy sản có giá trị như: cá chim vây ngắn, cá chim vây dài, cá bò…


Đã có nhiều năm gắn bó với các đảo ở Trường Sa, Đại tá Nguyễn Xuân Bình - Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Diện mạo Trường Sa đang ngày càng khởi sắc; đời sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được cải thiện hơn. Có được điều đó là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với Trường Sa. Mỗi người lính đảo chúng tôi luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương và không ngừng nỗ lực để Trường Sa luôn phát triển”. Thật vậy, có đến Trường Sa mới thấy sức sống nơi đảo xa thật mãnh liệt. Chỉ cần một khoảng đất trống, một dải san hô nhô lên khỏi mặt nước cũng đã thấy sự sống hiện hữu. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa không chỉ chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, biển đảo của Tổ quốc mà còn ngày đêm ra sức xây dựng Trường Sa thêm giàu đẹp.

 

HOÀNG DUNG