10:04, 16/04/2017

Vì sao chưa có lứa "Công Phượng 2.0"?

Tại giải bóng đá U.19 quốc tế ở diễn ra ở TP. Nha Trang, màn ra mắt của các đàn em Công Phượng, Xuân Trường… trong màu áo U.19 Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đã không đáp ứng được sự chờ đợi. Một phần vì được kỳ vọng nhiều, phần khác đến từ việc "đốt giai đoạn" của chính đơn vị chủ quản.

Tại giải bóng đá U.19 quốc tế ở diễn ra ở TP. Nha Trang, màn ra mắt của các đàn em Công Phượng, Xuân Trường… trong màu áo U.19 Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đã không đáp ứng được sự chờ đợi. Một phần vì được kỳ vọng nhiều, phần khác đến từ việc “đốt giai đoạn” của chính đơn vị chủ quản.


Còn nhớ, ở tuổi 16, lứa Công Phượng, Xuân Trường chưa được “đưa ra ánh sáng”, bởi lúc đó chỉ mới là thời điểm họ bắt đầu được phép mang giày thi đấu sau suốt 5 năm chỉ đá chân trần để rèn kỹ thuật cá nhân theo quy trình huấn luyện do Arsenal giám sát. Lần ra mắt của lứa Công Phượng khi đó cũng ít người được chứng kiến do họ đại diện Việt Nam dự Festival U.18 quốc tế tại Nhật Bản. Chỉ đến khi đánh bại Australia 4-1 ở vòng loại U.19 châu Á, hình ảnh và thông tin của lứa cầu thủ đầu tiên mà Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đào tạo mới thực sự được biết đến.

 

Lứa cầu thủ đầu tiên mà Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đào tạo
Lứa cầu thủ đầu tiên mà Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đào tạo


Trong khi đó, lứa kế tiếp lại sớm đưa ra trình làng. Đội hình dự giải U.19 quốc tế hiện nay đều mới 16 - 17 tuổi nhưng đã chơi bóng với giày hơn 1 năm. Việc dự giải U.19 với tư cách khách mời càng khiến cho người hâm mộ thêm kỳ vọng. Nếu “Công Phượng 1.0” âm thầm xuất hiện thì các đàn em lại phải đối diện với những áp lực lớn hơn, ở độ tuổi ít hơn, thế nên sự thất vọng cũng nhiều hơn trước.


Bên cạnh đó, có vẻ như “lò” Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal đang đốt giai đoạn khi một trong những điểm mạnh của những cầu thủ được đào tạo từ lò này chính là khả năng kiểm soát bóng cũng không được thể hiện. Nếu so với màn ra mắt đầu tiên của “Công Phượng 1.0” tại Nhật Bản hồi năm 2013 thì còn kém xa. Huấn luyện viên Guillaume Graechen lý giải: “Lứa cầu thủ năm đó đã chơi với nhau 6 năm. Hơn nữa, khi đó có những cầu thủ có thể làm nên sự khác biệt. Còn các cầu thủ khóa này thì chưa thấy”.


Sự tiến bộ đáng kể nhất của lứa cầu thủ năm nay đó là thể hình tốt hơn rất nhiều. Đây là kết quả của việc thay đổi tư duy trong đào tạo trẻ tại Việt Nam khi ưu tiên cho yếu tố hình thể chứ không quá tập trung vào tư duy và kỹ thuật thiên bẩm. Kế đến, việc “phá lệ” cho các cầu thủ được tham gia những giải U.15, U.17 quốc gia ngay khi còn đang trong quá trình đào tạo cũng là sự thay đổi về định hướng của “lò” Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal. Rõ ràng, dù có tài năng nhưng lứa Công Phượng, Xuân Trường thường yếu hơn các bạn cùng trang lứa về kinh nghiệm thi đấu. Họ mất quá nhiều thời gian để thích ứng tại V-League nên tính ra hiệu quả đào tạo không cao so với kỳ vọng ban đầu của bầu Đức là “xuất khẩu cầu thủ”.


YẾN PHƯƠNG (SGGP)