10:11, 22/11/2016

Manchester United - Arsenal: Trận đấu của những sự nghịch lý

Manchester United – Arsenal, trận cầu tâm điểm của vòng 12 giải bóng đá Ngoại hạng Anh không chỉ bởi đây là 2 câu lạc bộ lớn của Ngoại hạng Anh, mà còn bởi vô số sự căng thẳng và mâu thuẫn trong lẫn ngoài sân cỏ giữa 2 câu lạc bộ trong suốt quá trình lịch sử. Và trận cầu đã diễn ra với sự căng thẳng cần có, cùng với những điều nghịch lý đầy hứng thú.

Manchester United – Arsenal, trận cầu tâm điểm của vòng 12 giải bóng đá Ngoại hạng Anh không chỉ bởi đây là 2 câu lạc bộ lớn của Ngoại hạng Anh, mà còn bởi vô số sự căng thẳng và mâu thuẫn trong lẫn ngoài sân cỏ giữa 2 câu lạc bộ trong suốt quá trình lịch sử. Và trận cầu đã diễn ra với sự căng thẳng cần có, cùng với những điều nghịch lý đầy hứng thú.

 

Juan Mata chính là cầu thủ chơi hay nhất trận bên phía Manchester United.
Juan Mata chính là cầu thủ chơi hay nhất trận bên phía Manchester United.


Arsenal của huấn luyện viên Wenger hiển nhiên rất muốn có một chiến thắng trong trận đấu này. Đầu tiên, nếu chiến thắng Manchester United, các Pháo thủ sẽ có được 27 điểm, tràn đầy hy vọng lọt vào nhóm 3 đội dẫn đầu, có thể xem như là một bước tiến nữa trong cuộc đua tới ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, chiếc cúp mà đã 12 năm các Pháo thủ không biết đến. Ngoài ra, chiến thắng Manchester United đối với huấn luyện viên Wenger mà nói, đó cũng là chiến thắng huấn luyện viên Mourinho, một đối thủ “không đội trời chung” đã từ nhiều năm. Trong những lần đụng độ Mourinho tại Ngoại hạng Anh, huấn luyện viên Wenger chưa một lần nếm mùi chiến thắng. Không những vậy, Mourinho còn “xát thêm muối vào vết thương” khi gọi Wenger là “chuyên gia thất bại” khi nói về những lần đụng độ giữa 2 vị huấn luyện viên này. Chính vì vậy, chiến thắng Manchester United, đối với Arsenal đã không chỉ đơn giản là một trận thắng.


Arsenal là đội khao khát chiến thắng, nhưng lại ra quân với sơ đồ khá thận trọng với Coquelin và Elneny án ngữ trước hàng thủ 4 người, đồng thời hỗ trợ Mesut Ozil kiểm sát bóng. Ngoài ra huấn luyện viên Wenger còn sử dụng Theo Walcott và Aaron Ramsey ở 2 cánh, để Alexis Sanchez di chuyển tự do trong vòng cấm địa. Có lẽ, những thất bại trong quá khứ đã khiến cho huấn luyện viên Wenger không dám “tất tay” cho tấn công. Nhưng chính lối chơi “nửa nạc nửa mỡ”, tấn công không ra tấn công, phòng thủ không ra phòng thủ mà huấn luyện viên Wenger sử dụng đã suýt chút nữa làm hại chính huấn luyện viên này, nếu không phải Olivier Giroud cứu về cho Arsenal 1 điểm quý giá.


Cầm bóng nhiều hơn (55% so với 45% của Manchester United), nhưng lại thường xuyên ở thế phòng thủ. Chủ trương tấn công, nhưng cả trận chỉ sút được 5 cú, trong đó vỏn vẹn trúng mục tiêu 2 cú chia đều trong 2 hiệp đấu. Nếu không có sự xuất sắc của thủ thành Petr Cech và sự vô duyên của các chân sút Manchester United, có lẽ các Pháo thủ đã phải trắng tay ra về. Tất cả đều là những sự nghịch lý đến khó hiểu.


Ở phía bên kia chiến tuyến, Manchester United của huấn luyện viên Mourinho cũng gặp phải những nghịch lý không kém. Mà nghịch lý đầu tiên của Manchester United dưới thời Mourinho đó là, họ chưa bao giờ chơi hay khi kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương. Chính vì vậy, người hâm mộ đã dự đoán trước một thế trận phòng ngự phản công chặt chẽ, bịt các đường vào vòng cấm địa được Mourinho bày ra đón đợi các Pháo thủ. Nhưng mọi người chỉ đoán đúng một phần, đó là Manchester United ít kiểm soát bóng hơn Arsenal, và đúng là họ chơi hay, nhưng không phải là phòng ngự phản công mà là chủ động tấn công. Nghe qua thật nghịch lý, nhưng đó là thực tế, bởi Mourinho đã bắt bài được Wenger, từ đó chia cắt các ngôi sao tấn công của Arsenal không cho họ phối hợp với nhau.


Sử dụng bộ tứ Michael Carrick, Paul Pogba, Juan Mata, Ander Herrera ở giữa sân; trong đó Michael Carrick chơi hơi lùi để hỗ trợ hàng phòng ngự, còn Paul Pogba và Ander Herrera tận dụng khả năng tranh chấp và tốc độ càn quét khu vực giữa sân, giao phó mặt trận tấn công cho Juan Mata. Ngoài ra, bộ đôi Martial và Rashford còn nhận được sự hỗ trợ từ 2 cánh của Valencia và Darmian. Việc huấn luyện viên Wenger sử dụng quá nhiều những cầu thủ không giỏi tranh chấp bóng như Walcott, Ozil, Ramsey, Sanchez nơi hàng công, khiến cho việc chia cắt ngòi nổ Ozil với phần còn lại khá dễ dàng. Ngoài ra, Arsenal thiếu cầu thủ có khả năng phát động tấn công từ xa, lại không có cầu thủ cao to trong vòng cấm địa để làm tường, đánh đầu, khiến cho hệ thống tấn công của Arsenal lâm vào bế tắc, dù cho Manchester United không có được những cầu thủ phòng ngự tốt nhất.


Khống chế được khu trung tuyến, ép các Pháo thủ chỉ có thể chuyền lòng vòng ở sân nhà cùng khu vực giữa sân mà không thể phát động tấn công, đó chính là nguyên nhân Arsenal cầm bóng nhiều mà tấn công lại ít, còn Manchester United cầm bóng ít tấn công lại nhiều. Các học trò huấn luyện viên Mourinho sút 12 lần, trúng cầu môn 5 lần, và chỉ có may mắn cùng sự xuất sắc của thủ thành Petr Cech mới giúp cho Arsenal chỉ bị thủng lưới 1 lần. Sút nhiều, tấn công hay nhưng không thể ghi bàn, lại bị gỡ hòa với cú sút trúng đích thứ 2 của đối phương ở phút 89, liệu còn sự nghịch lý nào trêu người hơn?


Một trận hòa chắc chắn không làm 2 huấn luyện viên vừa lòng. Huấn luyện viên Wenger chắc hẳn đang tự trách không tung Olivier Giroud vào sớm hơn, để đánh vào điểm yếu không chiến của hàng phòng ngự Manchester United. Còn huấn luyện viên Mourinho thì chắc đang cảm khái vận rủi sao cứ đeo đuổi đội bóng của ông, khi mà đến trọng tài cũng không phát hiện ra được những tình huống có thể cho Manchester United hưởng phạt đền khá rõ ràng. Nhưng nghịch lý thì nghịch lý, trận hòa này sẽ giúp cho cuộc đua tới ngôi vô địch Ngoại hạng Anh càng thêm kịch tích.


Duy Duy