12:11, 18/11/2016

Huấn luyện viên giỏi - nhiều mà ít

Sau một số kết quả khả quan, huấn luyện viên (HLV) tạm quyền của đội tuyển Anh là Gareth Southgate có khả năng sẽ được bổ nhiệm chính thức là HLV của đội tuyển bóng đá Anh.

Sau một số kết quả khả quan, huấn luyện viên (HLV) tạm quyền của đội tuyển Anh là Gareth Southgate có khả năng sẽ được bổ nhiệm chính thức là HLV của đội tuyển bóng đá Anh. Đây cũng là một ví dụ nữa cho thực trạng HLV giỏi ở cấp câu lạc bộ (CLB) thì nhiều, mà cấp đội tuyển quốc gia lại ít.

 

Đa số huấn luyện viên giỏi chỉ muốn tập trung ở cấp độ câu lạc bộ
Đa số huấn luyện viên giỏi chỉ muốn tập trung ở cấp độ câu lạc bộ


 Có một thực tế là trong thế giới bóng đá, các thế hệ HLV tài năng vẫn tầng tầng lớp lớp, thế hệ sau nối thế hệ trước. Nếu tính từ thế hệ của HLV Alex Ferguson, Jupp Heynckes, Ottmar Hitzfeld… đã về hưu, hoặc một số HLV cùng thời vẫn tiếp tục “cày ải” trên băng ghế huấn luyện như: Marcelo Lippi, Arsene Wenger, Carlo Ancelotti… thì nối sau đó vẫn có hàng loạt HLV đã khẳng định tài năng, tuy tuổi nghề không quá cao. Có thể kể ra một loạt cái tên như: Mourinho, Pep Guardiola, Claudio Ranieri, Fernando Santos, Massimiliano Allegri… hoặc những HLV khẳng định được khả năng muộn hơn một chút như: Mauricio Pochettino, Diego Simeone, Zinedine Zidane, Luis Enrique, Juergen Jurgen Klopp, Antonio Conte… Trong đó, không ít người vốn là danh thủ, là trụ cột của chính CLB mà họ huấn luyện, chẳng hạn như: Guardiola, Conte, Simeone, Zidane… Bởi vậy, những giải đấu như: Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A… không chỉ đơn giản là cuộc so kè của các CLB tới ngôi vô địch, mà còn là cuộc so kè giữa các HLV hàng đầu thế giới với nhau.


Ở cấp CLB, số lượng HLV giỏi nhiều như thế, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đó lại là một vấn đề hoàn toàn trái ngược, thực sự làm đau đầu liên đoàn bóng đá các quốc gia. Đó là tình trạng khan hiếm nhân tài, rất khó kiếm được HLV có tên tuổi, đã khẳng định được tài năng lên nắm đội tuyển quốc gia, thậm chí là đối với những quốc gia không hề thiếu những HLV tài năng, hoặc nguồn tài chính dồi dào. Chẳng hạn như sau những cái tên Sergio Batista, Alejandro Sabella, Gerardo Martino thì có vẻ như đội tuyển Argentina đã phải hết sức lúng túng trong việc tìm kiếm một HLV giỏi cho vị trí truyền trưởng đội bóng. Việc lựa chọn cái tên Edgardo Bauza còn hết sức xa lạ đối với người hâm mộ làm dấy lên khá nhiều sự nghi ngờ về khả năng bởi vị HLV này chỉ mới nắm một số CLB không mấy nổi tiếng trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Nhưng vấn đề là không còn ứng viên nào tốt hơn khi những HLV nổi tiếng người Argentina như: Mauricio Pochettino, Diego Simeone… lại không hề mặn mà tới vị trí HLV đội tuyển Argentina.


Tình trạng tương tự như vậy xuất hiện ở hàng loạt ông lớn bóng đá trên thế giới. Đội tuyển quốc gia Anh đang phải suy xét khả năng bổ nhiệm một Gareth Southgate còn non kinh nghiệm làm HLV trưởng. Đội tuyển Tây Ban Nha phải vừa lòng với một Julen Lopetegui không mấy nổi tiếng, bởi sau Vicente del Bosque, đã không còn ứng viên nào sáng giá hơn. Đội tuyển Italia, sau khi HLV  Antonio Conte từ chức để tới Chelsea, đã phải đưa một Giampiero Ventura chỉ có thành tích huấn luyện ở những CLB nhỏ và tầm trung lên vị trí HLV trưởng, bởi không có ứng viên nào tốt hơn chịu ngồi vào chiếc ghế này...


Sẽ có rất nhiều người thắc mắc, tại sao Mourinho không cống hiến khả năng cho đội tuyển Bồ Đào Nha; tại sao Mauricio Pochettino, Diego Simeone lại thờ ơ với đội tuyển Argentina; tại sao Pep Guardiola, Luis Enrique lại không quan tâm tới đội tuyển Tây Ban Nha… Thực ra, vấn đề không phải nằm ở lương thưởng, ở vinh dự của những chiếc cúp, mà nó còn nằm ở khả năng thỏa mãn nguyện vọng của các HLV này của CLB, hoặc tình cảm của các HLV gởi gắm cho CLB quá sâu nặng, hoặc khả năng phát triển sở trường ở các CLB tốt hơn… Điều đó khiến cho những HLV này chấp nhận gắn bó nghiệp huấn luyện của mình ở cấp độ CLB.


Chấp nhận làm HLV một đội tuyển quốc gia đồng nghĩa với việc phải chấp nhận “xào nấu” với những gì mình có trong tay, chứ không thể yêu cầu CLB mua về những cầu thủ phù hợp với đấu pháp, sơ đồ chiến thuật mà HLV xây dựng nên cho CLB. Điều này khiến cho khả năng triển khai chiến thuật của HLV bị bó hẹp đi nhiều, và nó đòi hỏi khả năng ứng biến, xoay chuyển, kích thích những gì mà họ có trong tay. Đồng thời, sức ép mà họ phải chịu dĩ nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì họ phải chịu ở cấp độ CLB. Thắng lợi, dĩ nhiên vinh quang sẽ tột đỉnh; nhưng thất bại, đối mặt với đó là sự thất vọng của cả một quốc gia. Đó còn chưa nói tới những HLV đi lên từ cầu thủ, dĩ nhiên sẽ có tình cảm rất sâu nặng với CLB mà mình đã gắn bó. Hoặc ở cấp CLB, HLV dễ dàng “gieo trồng” những hạt mầm mới, đưa về những cầu thủ trẻ, theo dõi và huấn luyện họ trở thành những cầu thủ giỏi, trung thành với HLV, với CLB là cả một quá trình mà bất cứ HLV nào cũng cảm thấy thích thú.


Do có quá nhiều sự khác biệt trong cách huấn luyện giữa 2 cấp độ CLB và đội tuyển quốc gia, nên có những HLV chuyên nắm đội tuyển quốc gia; cũng có HLV tuy giỏi nhưng cả đời không muốn ngồi vào vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia; và cũng có HLV “lên đời” nhờ nắm đội tuyển quốc gia để rồi được mời chào ở cấp CLB… Điều đó cũng góp phần làm nên sự muôn màu muôn vẻ của thế giới bóng đá.


DUY DUY