11:08, 05/08/2017

EU mở rộng trừng phạt Nga: "Thế khó" trong xử lý quan hệ với Nga và Mỹ

EU đang ở thế khó khi phải quyết định làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ.
 

EU đang ở thế khó khi phải quyết định làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ.
 
Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/8 thông báo những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Đây là một động thái gây bất ngờ bởi đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kí dự luật trừng phạt Nga - một văn kiện mà Liên minh châu Âu đã nhiều lần công khai thể hiện sự phản đối mạnh mẽ. Điều này cũng phần nào cho thấy thế khó của Liên minh châu Âu trong xử lý các mối quan hệ với Mỹ và Nga.
 
Trong danh sách trừng phạt mở rộng có những cái tên nổi bật như Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrey Cherezov, lãnh đạo phòng Kiểm soát và quản lý điện lưới quốc gian Evgeniy Grabchak và Giám đốc điều hành công ty quốc doanh Technopromexport.
 
Những cá nhân này bị cáo buộc có liên quan tới việc thực hiện các hợp đồng thầu, đưa các tuốc-bin khí của Tập đoàn Siemens tới bán đảo Crimea. Theo Liên minh châu Âu, đây là một chiến dịch nhằm tăng cường khả năng tự lực về năng lượng cho Crimea, gây tổn hại tới sự thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

 

EU đang ở thế khó khi phải quyết định làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ. Ảnh minh họa: dapd.
EU đang ở thế khó khi phải quyết định làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ. Ảnh minh họa: dapd.
 
Hồi tháng trước, tập đoàn Siemens (Đức) cho biết 4 tuốc-bin khí do tập đoàn này sản xuất, vốn được thiết kế cho dự án ở bán đảo Taman thuộc Nga, đã bị một nhà thầu nước này vận chuyển bất hợp pháp tới Crimea.
 
Theo Siemens, tập đoàn này dự tính sẽ chấm dứt các hợp đồng nhượng quyền sản xuất với các công ty Nga và ngừng cung cấp tuốc-bin theo hợp đồng hiện hành với các công ty quốc doanh Nga. Siemens cũng muốn mua lại các tuốc-bin đã bán cho Nga song nhà thầu Technopromexport cho biết vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức từ phía Đức.
 
Sau khi sáp nhập vào Nga từ cách đây 3 năm, Crimea hiện vẫn phải đối mặt với các vấn đề về điện do phần lớn nguồn cung điện trước đây của bán đảo này phụ thuộc vào Ukraine. Tháng 11/2015, Crimea đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi 4 đường dây cung cấp điện từ Ukraine đến bán đảo này phát nổ, khiến bán đảo này bị mất điện toàn bộ.
 
Việc Liên minh châu Âu trừng phạt Nga liên quan đến bán đảo Crimea không phải là mới song lại được xem là một diễn biến bất ngờ, bởi cách đây chưa đầy 2 ngày, khối này đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ dự luật trừng phạt Nga vừa được Tổng thống Mỹ ký ban hành hôm 2/8 vừa qua. EU thậm chí còn đe dọa có bước đi phản ứng của mình nếu các biện pháp của Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty EU đang có dự án gắn với Nga.
 
Điều này đã phần nào cho thấy thế khó của Liên minh châu Âu trong xử lý quan hệ với Nga và Mỹ. Đó là làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ.
 
Trên thực tế, những biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu với Nga thời gian qua đã cho thấy những tác động ngược khi gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp Liên minh châu Âu, cũng như nguồn cung khí đốt của châu lục và hiện nay là những rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. 
 
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua nói rằng quyết định của Liên minh châu Âu (EU) mở rộng danh sách trừng phạt Nga liên quan đến việc đưa các tuốc-bin của Tập đoàn Siemens (Đức) tới Bán đảo Crimea hồi mùa Hè năm 2016 là "vô cùng đáng tiếc", đi ngược lại cả luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quan hệ quốc tế nói chung, gây thiệt hại cho cả Tập đoàn Siemens và các công ty khác của Đức cũng như các công ty châu Âu hoạt động tại Nga. Vì thế Nga có quyền trả đũa./.
 
Theo VOV