07:10, 01/10/2009

Bánh sản xuất tại địa phương “được mùa”

Tại TP. Nha Trang, vào thời điểm cận kề Tết Trung thu, trong khi mức độ tiêu thụ mặt hàng bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất tại địa phương tăng đáng kể...

Tại TP. Nha Trang, vào thời điểm cận kề Tết Trung thu, trong khi mức độ tiêu thụ mặt hàng bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất tại địa phương tăng đáng kể thì thị trường bán lẻ các loại bánh của những thương hiệu lớn đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ chơi Trung thu tràn lan hàng nhập từ Trung Quốc.

° Bánh Trung thu: Hàng Nha Trang “được mùa”

Người tiêu dùng Nha Trang chuộng bánh Trung thu sản xuất tại địa phương hơn.
Người tiêu dùng Nha Trang chuộng bánh Trung thu sản xuất tại địa phương hơn.

Xuất hiện trên thị trường đã lâu, cơ sở sản xuất bánh kẹo Vĩnh Thành có 4 điểm bán lẻ trên địa bàn TP. Nha Trang. Hiện nay, cơ sở này đã ngừng nhận đơn đặt hàng 1 tuần trước ngày rằm Trung thu do nguồn cung không đáp ứng kịp. Các sản phẩm của Vĩnh Thành chủ yếu mang hương vị truyền thống với giá khá “mềm”: bánh dẻo 18.000 đồng/chiếc, bánh nướng 31.000 đồng/chiếc. Ông Nguyễn Văn Sứ, chủ cơ sở bánh kẹo Vĩnh Thành cho biết: “So với năm ngoái, giá bánh tăng 20% do giá nguyên liệu đầu vào tăng, song sản lượng tiêu thụ vẫn tăng tới 60%, ước tính khoảng 8,5 tấn. Trong đó, chủ yếu là các cơ quan, công ty, xí nghiệp đặt hàng để làm quà cho khách và cán bộ công nhân viên, còn thị trường khách mua lẻ tuy có tăng nhưng vẫn chậm”.

Tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Hóa Hưng, các loại bánh phục vụ Trung thu cũng được tiêu thụ mạnh, giá trung bình từ 120 - 180 nghìn đồng/hộp 4 bánh. Theo chị Võ Thị Thanh Tình, nhân viên bán hàng tại cơ sở bánh Hóa Hưng trên đường Lý Thánh Tôn, mọi năm, khách hàng thường chờ đến sát ngày rằm mới mua bánh, nhưng năm nay, hàng bán chạy ngay từ đầu mùa, một ngày có thể bán tới 50 hộp. Sản phẩm được sản xuất tại chỗ nên làm đến đâu bán đến đó, thời hạn sử dụng sau Trung thu lâu hơn các loại bánh nhập từ bên ngoài. 

Ngoài các cơ sở sản xuất bánh lâu năm tại TP. Nha Trang, năm nay, bánh Trung thu cao cấp Sanest Moon Cake của Công ty Yến sào Khánh Hòa lần đầu tiên xuất hiện đã thu hút sự chú ý không chỉ của thị trường trong tỉnh mà còn tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Sản phẩm bánh Trung thu của doanh nghiệp có 4 loại: hộp 1 bánh, 2 bánh, 4 bánh và 6 bánh với mức giá từ 85.000 đồng đến 510.000 đồng. Anh Nguyễn Huy Thảo, nhân viên Trung tâm Phân phối sản phẩm bánh Trung thu Yến sào cho biết: “Sản phẩm là hàng cao cấp mới lạ, với các thành phần quý giá từ thiên nhiên như: yến sào, vi cá, hải sâm… nên người mua chủ yếu làm quà biếu. Nhiều doanh nghiệp sau khi đặt 200 hộp bánh đã yêu cầu được cung cấp thêm số lượng tương đương”.

Khác với không khí sôi động của thị trường bánh Trung thu sản xuất tại Nha Trang, các cửa hàng bánh có thương hiệu lớn trên toàn quốc như: Kinh Đô, Bibica… lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều cửa hàng chiếm lĩnh các vị thế đẹp tại khu vực trung tâm thành phố, song lượng bánh bày bán vẫn còn chật kín các tủ kính. Dịp cận kề Trung thu mọi năm, cửa hàng của anh Phan Văn Tuấn, đường Dã Tượng đều mở cửa tới 23 giờ, nhưng nay phải đóng cửa từ 19 giờ. So với mức tiêu dùng bình dân, các loại bánh thương hiệu lớn tuy có mẫu mã sang trọng, hấp dẫn, song giá cả lại không “dễ chịu”. Bánh Kinh Đô cao cấp 4 bánh hộp Trăng vàng Hồng Phúc, Trăng vàng Phú Quý, Trăng vàng Tinh Tế có giá từ 290 - 590 ngàn đồng/hộp; bánh Phúc Nguyệt, Thưởng Nguyệt, Dạ Nguyệt Đoàn viên… của Bibica từ 250 - 450 ngàn đồng/hộp. Một số chủ cửa hàng linh động giảm giá bán từ 10 đến 30 ngàn đồng/hộp nhưng tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Anh Tuấn ngao ngán: “Do kinh tế suy thoái, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu”. Còn chị Nguyễn Thị Phương, một khách hàng phân trần: “Với những người có thu nhập thấp như chúng tôi, việc mua một hộp bánh “hạng sang” với giá vài trăm ngàn đồng là điều quá xa xỉ”.

Sở dĩ bánh Trung thu sản xuất tại Nha Trang “được mùa” là do các cơ sở sản xuất phục vụ đơn đặt hàng của các mối quen, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Thêm nữa, do không quá chú trọng đầu tư chi phí vào quảng cáo, bao bì cầu kỳ nên giá thành bánh sản xuất tại địa phương thấp hơn các loại bánh thương hiệu lớn. Thông tin phát hiện hàng tấn mỡ động vật thối tại Hà Nội cũng khiến nhiều người tiêu dùng Nha Trang dè chừng với bánh sản xuất ngoài địa phương.

° Đồ chơi Trung thu: Vắng bóng sản phẩm truyền thống

Tại các quầy hàng, đèn lồng Trung Quốc được bày bán nhan nhản, hầu hết là loại đèn cầm tay bằng nhựa, chạy pin, phát ra tiếng nhạc vui tai, màu sắc bắt mắt, mẫu mã mô phỏng hình các nhân vật được trẻ nhỏ yêu thích như: siêu nhân, Đôrêmon, búp bê… Các loại đèn hình con vật với cử động linh hoạt như:

 vỗ cánh, xoay tròn, gõ trống… bán khá chạy với giá từ 17 - 55 ngàn đồng/chiếc. Đèn lồng giấy xếp có ưu điểm gọn, nhẹ, nhiều hình thù, màu sắc, giá chỉ từ 5 - 10 ngàn đồng/chiếc. Ngoài ra, còn có các loại mặt nạ mô phỏng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, siêu nhân, người nhện… hay gậy sắt, mũ gắn vòng kim cô của Tôn Ngộ Không, giá 5 - 8 ngàn đồng/chiếc. Một số loại đồ chơi như: bộ lắp ghép siêu nhân, xe tăng, tên lửa, tàu bay… giá khá cao, khoảng 60 - 80 ngàn đồng/bộ.

Đồ chơi Trung thu truyền thống đang ngày càng vắng bóng trên thị trường. Chủ yếu vẫn là đèn ông sao loại nhỏ, mặt nạ phết sơn hình một số nhân vật dân gian như: chú Tễu, Thị Nở… Loại đầu sư tử, kỳ lân nhiều kích cỡ có giá từ 90 - 300 ngàn đồng/chiếc. Anh Văn Đoàn, trú đường Lê Hồng Phong (Nha Trang) cho biết: “Con trai tôi nằng nặc đòi mua đèn lồng siêu nhân, vừa rẻ, vừa bền đẹp. Đồ chơi Việt Nam đơn điệu quá, trẻ con không thích!”. Ở một số địa điểm bán đồ chơi trẻ em bày bán công khai nhiều loại đồ chơi có tính bạo lực như: dao, kiếm, mã tấu, súng bắn đạn, súng điện chạy pin, giá chỉ khoảng 8.000 đồng/chiếc…

Tết Trung thu là dịp để cho trẻ vui chơi. Tuy nhiên, việc nhiều bậc phụ huynh chiều theo ý con, không lưu ý đến các khuyến cáo về tính độc hại của nhựa tái chế - nguyên liệu sản xuất các loại đồ chơi Trung Quốc, cũng như giáo dục nhân cách cho trẻ qua việc chọn mua đồ chơi là điều băn khoăn hiện nay.

KIM DUNG