11:06, 14/06/2015

Bước đột phá trong cho vay tam nông

Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm mới.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm mới.

 

 Vay 3 tỷ đồng, không cần tài sản đảm bảo

 

 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ - CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Chính phủ ban hành ngày 9/6/2015. Hơn 70% dân số nước ta vẫn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nên việc ban hành Nghị định 55 đã tạo luồng sinh khí mới trong cung ứng vốn cho khu vực tam nông. Bên cạnh đó chuyện “được mùa mất giá” của hàng loạt nông sản thời gian qua càng làm cho dư luận quan tâm đến vấn đề đầu tư cho khu vực này.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Trước hết về đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo Nghị định 41, trước đây người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố vẫn sản xuất nông nghiệp là chính không được tiếp cận chính sách. Điều này gây nên không ít bất cập và “bất bình” khi triển khai. Do đó, Nghị định 55 đã quy định cụ thể các đối tượng được vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, chia thành 2 nhóm là các đối tượng khách hàng nằm trên địa bàn nông thôn, và đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn.

 

Trao đổi nhanh với phóng viên chiều ngày 9/6, ông Phạm Huy Cận – Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Định cho biết, đây là điểm bổ sung rất quan trọng của Nghị định 55 so với Nghị định 41. Bởi trong thời gian thực hiện Nghị định 41, có nhiều bà con nông dân thực thụ nhưng chỉ vì hộ khẩu nằm ở khu vực thị trấn, phường thuộc thị xã, thành phố mà không được vay vốn.

 

Điểm quan trọng nữa là Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Theo đó, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).

 

Ngoài ra, tại điểm h, Điều 9, Nghị định 55 còn quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm: “Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ”. Theo ông Phạm Huy Cận, với những tỉnh có vùng biển như Nam Định thì việc nâng mức cho vay này cũng mang lại thêm cơ hội cho người dân trong việc phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế biển.

 

Khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao

 

Điểm mới đặc biệt của Nghị định 55 so với Nghị định 41 là có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Những quy định này lập tức được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội khi nông nghiệp, nông thôn đang trở thành tâm điểm tại nghị trường kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với nhiệm vụ được các đại biểu đặt ra là cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, với những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng thì những điều chỉnh này là rất phù hợp. Bởi rất nhiều DN, hợp tác xã trồng rau, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cần lượng vốn lớn. Việc có thêm chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tháo gỡ khó khăn cho họ.

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là những nội dung quan trọng phục vụ cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với những dự án ứng dụng công nghệ cao hay đối tượng tham gia chuỗi liên kết, có thể được vay không có tài sản đảm bảo đến 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh.

 

Với sản xuất nông nghiệp, đồng vốn thường gặp những rủi ro khách quan, bất khả kháng, vì thế Nghị định 55 cũng có những quy định khá cụ thể về trích lập dự phòng rủi ro và cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Việc này không chỉ là trách nhiệm của đơn vị cho vay, người được vay mà Chính phủ còn giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh đánh giá mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính xem xét xử lý khoản nợ vay. Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp tỉnh, NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nợ vay.

 

Nghị định 41 cho phép TCTD khoanh nợ cho khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Số lãi TCTD đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của họ. Thực tế quy định này đã không đi vào cuộc sống do các vướng mắc về pháp luật của ngành thuế, và vì vậy Nghị định 55 quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để cấp tương ứng số lãi TCTD không thu được do thực hiện khoanh nợ cho khách hàng. Đặc biệt, để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ cho người nông dân khi gặp phải rủi ro, Nghị định 55 quy định: khách hàng tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ vốn vay sẽ được TCTD giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,2%/năm so với các khoản cho vay cùng loại, cùng thời hạn.

 

Theo ông PhạmHuy Cận, với những tháo gỡ và mở hơn trong Nghị định 55, các NH sẽ có điều kiện cung ứng vốn tốt hơn cho lĩnh vực tam nông, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

 

Theo Thời báo ngân hàng