07:10, 01/10/2012

Khơi thông dòng vốn về nông thôn

2 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đã khơi thông dòng vốn về nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

2 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đã khơi thông dòng vốn về nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mở rộng các hình thức cho vay không thế chấp

Ông Bùi Huynh (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một trong những hộ nông dân được Agribank Chi nhánh Khánh Hòa hỗ trợ vốn để sản xuất. Với 90 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng, ông đã sản xuất, chăn nuôi và xây dựng lại nhà ở khang trang...

Với vai trò chủ lực trong việc cung ứng vốn và các dịch vụ ngân hàng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sau 2 năm thực hiện Nghị định 41 (NĐ41) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổng doanh số cho vay của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đạt 19.153 tỷ đồng. Trong đó, cho vay theo NĐ41 đạt 7.700 tỷ đồng với 73.650 lượt khách hàng vay, chiếm 40,21% tổng doanh số cho vay của Agribank. Đặc biệt, Agribank đã mạnh dạn mở rộng hình thức cho vay qua các tổ vay vốn, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với dư nợ tính đến ngày 31-8 là 956 tỷ đồng, chiếm 60,3% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn; góp phần giúp các hộ thiếu điều kiện thế chấp, hộ cận nghèo ở nông thôn có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để làm ăn, cải thiện đời sống. Nguồn tiền cho vay đã thực sự giúp người dân nông thôn nhanh chóng khắc phục những khó khăn về vốn. Nông dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại vùng nông thôn có điều kiện mở rộng dịch vụ, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Từ nguồn vốn đó, Ngân hàng đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong quá trình thực hiện NĐ41, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa còn tích cực cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến khách hàng nông thôn. Việc vận động khách hàng gửi vốn định kỳ theo chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm phục vụ nông thôn, huy động vốn thông qua tổ vay vốn... đã tạo cho nông dân có thói quen tiết kiệm, tích lũy trả nợ, trả lãi cho ngân hàng. Đến nay, đã có 13.880 khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm nông thôn với số dư gần 23 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank còn cung ứng các sản phẩm dịch vụ thẻ, mobile banking và các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền nhanh..., tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại.

2 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đã khơi thông dòng vốn về nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Huy - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn ổn định với lãi suất hợp lý để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng các đối tượng vay cho mục đích sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp phù hợp với tiềm năng kinh tế từng địa bàn trong tỉnh, khuyến khích đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để tăng năng suất trong nông nghiệp, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; ưu đãi cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường cho vay nâng cao đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của người dân nông thôn”.

Agribank Chi nhánh Khánh Hòa sẽ tiếp tục khai thác nguồn vốn rẻ để hạ dần lãi suất cho vay, đồng thời cũng sẽ cung ứng nhiều sản phẩm tiện ích và dịch vụ ngân hàng hiện đại đến nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nâng cao chất lượng các tổ vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ. Tuy nhiên, để NĐ41 đem lại hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế và đặc thù của từng địa phương. Ông Nguyễn Xuân Huy chia sẻ: “Chúng tôi sẽ kiến nghị với các cấp chính quyền và Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉnh sửa NĐ41 theo hướng cá nhân, hộ gia đình có đối tượng sản xuất nông nghiệp hay có nhu cầu phục vụ nông nghiệp, nông thôn đều được vay vốn; hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi thời gian qua, việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn rất bấp bênh”.

BÍCH KHUÊ

Tính đến ngày 31-8, dư nợ cho vay theo NĐ41 đạt gần 1.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đạt 776 tỷ đồng, chiếm hơn 48,9% tổng dư nợ cho vay theo NĐ41.