10:08, 19/08/2018

Hợp tác xã Đúc Phú Lộc: Vướng mắc triển khai kinh phí hỗ trợ

Tuy đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí, nhưng các hoạt động hỗ trợ Hợp tác xã Đúc Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) phát triển nghề truyền thống vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

 

Tuy đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí, nhưng các hoạt động hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Đúc Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) phát triển nghề truyền thống vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.


Theo quyết định của UBND tỉnh, số tiền hỗ trợ phát triển nghề đúc đồng của HTX Đúc Phú Lộc năm 2018 là 430 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được phân bổ cho 4 hoạt động gồm: hỗ trợ thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các hộ làm nghề (mua nồi nấu đồng Graphite); đào tạo, tập huấn nghề truyền thống và phát triển nghề đúc đồng; xây dựng và mở rộng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đúc đồng và xây dựng pa-nô giới thiệu nghề đúc đồng. Đến nay, tuy đã có kinh phí nhưng các hoạt động trên triển khai còn chậm.

 

Nấu đồng trong khu dân cư Phú Lộc Tây gây ô nhiễm  môi trường do khói và bụi.

Nấu đồng trong khu dân cư Phú Lộc Tây gây ô nhiễm môi trường do khói và bụi.


Hoạt động hỗ trợ mua 10 nồi nấu đồng Graphite (loại 700kg và 200kg) có tổng kinh phí 240 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 180 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hộ làm nghề. Phòng Kinh tế huyện đã giao cho HTX Đúc Phú Lộc tìm hiểu về kỹ thuật, công suất, giá của loại nồi nấu đồng Graphite này để lập hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, theo đại diện HTX, việc tìm hiểu, lựa chọn nhà thầu gặp khó khăn do phần lớn các nồi này được sản xuất ở nước ngoài, chỉ được bán ở TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, HTX mới chỉ tìm hiểu được 1 nhà thầu. Ngoài ra, khi đưa ra dự kiến ngân sách, nồi loại 200kg chỉ có giá 8 triệu đồng, nhưng tìm hiểu thực tế thì loại này có giá đến 20 triệu đồng.


Việc tổ chức lớp đào tạo nghề đúc đồng cũng gặp một số vướng mắc. Ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 160 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo và hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh, nghề đúc đồng không nằm trong danh mục nghề đào tạo. Do đó, huyện không có cơ sở để thực hiện việc chi trả mức đào tạo. Bên cạnh đó, do tính chất nghề truyền thống cha truyền con nối nên người giảng dạy nghề đúc đồng phải là người có tay nghề lâu năm, nhiều kinh nghiệm của làng nghề. Tuy nhiên, những người này lại không đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, khi đào tạo xong, huyện cũng không thể cấp chứng chỉ cho học viên.


Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc HTX Đúc Phú Lộc cho biết, người có tay nghề lâu năm tham gia giảng dạy, đào tạo đòi thù lao quá cao (50 triệu đồng) vì họ chuyển giao kỹ thuật, trong khi ngân sách bố trí cho toàn khóa học chỉ 120 triệu đồng. Ngoài ra, sau tháng 7 âm lịch, các hộ trong làng nghề sẽ bắt đầu chuẩn bị sản xuất cho vụ Tết Nguyên đán. Do đó, nếu lớp đào tạo không được tổ chức sớm thì sẽ rất ít người tham gia đào tạo. Các hộ làm nghề đúc đồng cũng mong muốn khi tham gia đào tạo sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình làm khuôn sáp thay cho khuôn đất như hiện nay để có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm mới, trong đó có các sản phẩm mỹ nghệ, sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch…


Hiện nay, huyện Diên Khánh có kế hoạch nâng cấp, mở rộng chợ Thành. Vì thế, việc xây dựng và mở rộng khu trưng bày và giới thiệu nghề đúc đồng tại chợ Thành dù đã được hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng, nhưng cũng phải chờ chợ Thành nâng cấp xong mới triển khai. Ngoài ra, trong kế hoạch năm 2019, HTX được UBND tỉnh hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung cho các hộ làm nghề, tránh việc gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất tại khu dân cư. Tuy nhiên, thị trấn Diên Khánh đã hết quỹ đất cho HTX thuê. Do đó, đây cũng là khó khăn lớn trong phát triển làng nghề sắp tới.


Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh đã làm việc với Phòng Kinh tế và HTX Đúc Phú Lộc để bàn giải pháp đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ phát triển nghề đúc đồng. Theo đó, HTX Đúc Phú Lộc tiếp tục tìm hiểu, chọn thêm nhà thầu để lập hồ sơ mời thầu đối với việc mua nồi nấu đồng Graphite. Các thủ tục mua nồi nấu đồng phải hoàn thành trước ngày 15-9. Đối với hoạt động mở lớp đào tạo nghề đúc đồng, Phòng Kinh tế làm giấy xác nhận, giới thiệu người có tay nghề cao tham gia giảng dạy; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho học viên. Lãnh đạo huyện cũng giao cho các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề cương đào tạo nghề đúc đồng phù hợp với nhu cầu cần thiết, tiến hành mở lớp trong tháng 8. Theo đại diện HTX Đúc Phú Lộc, khóa đào tạo sẽ có 2 hướng là: đào tạo cho những người có tay nghề cao biết kỹ thuật làm khuôn sáp và đào tạo cho những người trẻ nắm bắt các công đoạn của nghề đúc đồng. Đối với việc đào tạo cho những người trẻ, những người thợ lâu năm trong HTX có thể hướng dẫn để giảm bớt chi phí đào tạo.  

    
MAI HOÀNG