10:11, 21/11/2016

Trồng thanh long ruột đỏ ở Cam Lâm: Băn khoăn đầu ra

Nhằm đạt hiệu quả trồng trọt cao hơn, một số hộ ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng đạt kết quả như mong muốn.

Nhằm đạt hiệu quả trồng trọt cao hơn, một số hộ ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng đạt kết quả như mong muốn.

Hiệu quả bước đầu


Tuần qua, vườn thanh long ruột đỏ của ông Hoàng Đức Hào (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) tấp nập người thu hoạch. Với 2.536 gốc trồng trên 1,8ha, ông Hào thu lãi gần 100 triệu đồng/lứa. Ông Hào phấn khởi cho biết: “Thanh long càng trồng lâu, năng suất càng cao. Với giá trung bình 12.000 đồng/kg, nếu cây phát triển tốt, đầu ra ổn định thì từ năm thứ tư, vườn thanh long của tôi có thể cho lãi 500 triệu đồng/năm”.

 

Ông Hào chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ
Ông Hào chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ


Trước khi trồng thanh long ruột đỏ, 2,6ha đất của gia đình được ông Hào trồng mì. Ban đầu, cây mì cho hiệu quả, nhưng càng về sau, đất càng cằn cỗi, thêm nắng hạn kéo dài khiến năng suất mì ngày một giảm, lãi ước 600.000 đồng/sào. Ông Hào đã đi nhiều nơi học hỏi và bị cuốn hút bởi những vườn thanh long ruột đỏ ở tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai cho trái 8 - 10 vụ/năm, trong khi những cây trồng khác chỉ cho trái 1 - 2 vụ/năm. Sau khi mua thiết bị kiểm tra độ pH của đất, thấy đạt 5.5 - 6.0 (độ pH đất 5.7 phù hợp với thanh long), tháng 4-2014, ông Hào chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và cỏ voi làm phân xanh ủ gốc thanh long. Sau 16 tháng, thanh long đã cho trái bói nặng 0,4kg và đến nay đã cho thu 10 lứa gối vụ (60 ngày/lứa, cây đang mang trái vẫn tiếp tục ra hoa), trọng lượng đạt 0,8 - 1kg/trái, năng suất 2 - 7 tấn/lứa.


Theo ông Nguyễn Đình Cương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Bắc, thanh long dễ phát triển, có thể tự nhân giống để mở rộng diện tích. Nếu chăm sóc tốt, mỗi gốc thanh long có thể cho khoảng 10 trái, 0,4 - 0,8 kg/trái, mỗi năm cho 8 - 9 lứa. Xã có hộ ông Hào chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ và bước đầu, loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng. Hội Nông dân xã sẽ theo dõi hiệu quả của mô hình này thêm một thời gian rồi mới vận động người dân học tập, nhân rộng.


Ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, 2ha thanh long ruột đỏ với 2.600 gốc của bà Hoàng Thị Kim Loan sau gần 3 năm cũng cho thu 10 lứa. Đây là diện tích được bà Loan chuyển đổi từ đất trồng mì kém hiệu quả. Bà Loan cho biết, thanh long đang cho năng suất trung bình 2 - 5 tấn/lứa, 0,4kg/trái, hiệu quả hơn trồng mì. Với năng suất này, nếu đầu ra ổn định, bà hoàn toàn yên tâm.


Cần thận trọng


Tuy nhiên, không phải hộ nào chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ cũng hài lòng. Theo ông Đinh Văn Cư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Tây, trên địa bàn xã có hộ ông Nguyễn Xuân Mai (thôn Văn Thủy 1) cũng chuyển 1 sào trồng rau đậu sang trồng thanh long ruột đỏ nhưng trái nhỏ hoặc bị hư không rõ nguyên nhân, cộng thêm giá thu mua thất thường khiến ông Mai nản lòng.

 

Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm: Việc nông dân tìm tòi chuyển đổi giống cây trồng mới, hiệu quả cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là đáng quý. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi ồ ạt mà không tìm được đầu ra ổn định sẽ dẫn đến nguy cơ nông sản sản xuất với số lượng lớn không tiêu thụ được, bị ép giá. Vì vậy, bên cạnh định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, các cấp hội cần tuyên truyền để nông dân không chuyển đổi ồ ạt, chạy theo phong trào, đồng thời tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nông dân cung cấp thông tin thị trường, tìm đầu ra.

Được coi là hộ chuyển đổi hiệu quả nhưng ông Hào cũng lo lắng. Loại cây này không khó chăm sóc, năng suất cao nhưng đầu tư ban đầu khá lớn, chuyển đổi ở diện tích nhỏ không đáp ứng được lượng hàng bán sỉ. Tính ra, 1 trụ thanh long từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu (tưới thủ công) bỏ vốn đầu tư 600.000 đồng. Từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch đầu tư 6.500 đồng/kg trái, cộng với chi phí vận chuyển, cắt trái hết 2.800 đồng/kg. Đó là chưa tính 5 người làm vườn trả công 3,6 triệu đồng/người/tháng. Nếu lắp đặt hệ thống tưới tự động cả trên và dưới gốc phải cần thêm hơn 120 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán lại không ổn định: gần Tết có thể tới 46.000 đồng/kg, nhưng có lúc hạ còn 8.000 đồng/kg; chưa kể mỗi lứa phải đạt trên 2 tấn trái bạn hàng mới lấy. “Đã có lứa tôi thu không đạt nên phải mang ra chợ bán rất vất vả, giá cũng hạ còn 5.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại. Đầu ra của trái thanh long không giống xoài, ít người trồng, thu theo lứa, không thể bỏ sỉ hàng ngày nên khó chào hàng cho các vựa. Tôi đã liên hệ với một đơn vị thu mua thanh long ở Bình Thuận, nhưng họ yêu cầu phải trồng từ 5.000 gốc trở lên mới thu mua tận nơi”, ông Hào cho biết.

 

Bà Loan cũng chia sẻ: “Trồng thanh long nếu không nắm chắc kỹ thuật, năng suất thấp, trái nhỏ, diện tích ít thì chỉ bán trực tiếp được tại các chợ. Bây giờ, tôi chỉ mong có nhiều người trồng để đủ lượng hàng cho bạn hàng Bình Thuận thu mua ổn định”.


Ông Đặng Ngọc Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, Cam An Bắc là xã chủ yếu trồng mì và mía với tổng diện tích 395ha mía, 208ha mì. Mấy năm qua nắng hạn, mất mùa, 1 sào mía hoặc mì nếu bán được giá cũng chỉ lãi 1 triệu đồng/năm. Vì vậy, lãnh đạo xã rất quan tâm đến việc chuyển đổi, phát triển cây trồng mới. Nếu cây thanh long cho năng suất cao, ổn định đầu ra thì xã sẽ khuyến khích nhân rộng. Xã sẽ liên hệ với các đơn vị thu mua để góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân.


TIỂU MAI