10:11, 28/11/2016

Ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng

Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã đầu tư hệ thống thiết bị mới ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline) để dần thay thế việc sửa điện truyền thống, không để xảy ra tình trạng cắt điện trong quá trình vệ sinh, sửa chữa đường dây và trụ điện.

Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã đầu tư hệ thống thiết bị mới ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline) để dần thay thế việc sửa điện truyền thống, không để xảy ra tình trạng cắt điện trong quá trình vệ sinh, sửa chữa đường dây và trụ điện.


Theo ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, trước đây, công ty phải cử công nhân định kỳ leo lên từng trụ điện để vệ sinh thiết bị nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố cháy nổ, gây cắt điện đột ngột. Làm theo cách này, ngành Điện phải cắt điện khu vực cần vệ sinh để đảm bảo an toàn cho người sửa chữa, nhưng làm ảnh hưởng đến khách hàng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tốn nhiều thời gian và công sức. Những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các thành viên trong toàn ngành phải giảm thời gian cắt điện đến mức tối đa. Vì thế, các đơn vị phải tìm ra giải pháp, thay đổi các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ mục tiêu này

 

Sửa chữa điện trên đường dây đang có điện là công nghệ mới  mà Khánh Hòa áp dụng
Sửa chữa điện trên đường dây đang có điện là công nghệ mới mà Khánh Hòa áp dụng


Đầu tháng 9-2015, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã đầu tư một máy vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Trong đó, nước được xử lý qua máy lọc để loại bỏ tạp chất, không còn khả năng dẫn điện nên không cần phải cắt điện khi vệ sinh các thiết bị điện như trước đây. Theo tính toán, mỗi máy cùng với 5 công nhân vận hành có thể làm vệ sinh 70 - 80 trụ điện mỗi ngày; trong khi theo cách truyền thống, nhóm công nhân 2 người chỉ làm vệ sinh được 5 trụ điện mỗi ngày. Đó là chưa kể những thiệt hại do cắt điện gây ra. “Hiện nay, chúng tôi đã sử dụng máy để vệ sinh nhiều trạm điện trong toàn tỉnh. Nếu thật sự hiệu quả, chúng tôi sẽ nhập thêm máy về để hoạt động”, ông Đỗ Thanh Sơn nói.


Cũng theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, công ty mới nhập xe gầu cách điện cùng toàn bộ trang thiết bị trị giá hơn 7 tỷ đồng để phục vụ việc sửa điện trên đường dây đang có điện, không cần phải cắt điện toàn bộ khu vực sửa chữa. Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp công nghiệp (Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa) cho biết, xe có một gầu nâng kỹ sư lên cao và có thiết bị cách điện. Các kỹ sư được mặc bộ đồng phục bảo hộ cách điện khi làm việc trên đường dây. Với cách làm này sẽ giảm được công sức bỏ ra, giảm cắt điện. Hiện nay, trong nước mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ứng dụng công nghệ này để sửa điện.


Được biết, trong tương lai, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa sẽ tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để vừa đem lại lợi ích cho khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí, nhân công, hướng tới giảm giá điện hoặc có thể cạnh tranh khi điện được bán theo giá thị trường. Ông Đỗ Thanh Sơn cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các chỉ tiêu đánh giá độ tin cậy của khách hàng đối với các công ty điện lực như: số lần cắt điện, số thời gian cắt điện… Hiện nay, ở Khánh Hòa có khoảng 2.500 phút bị cắt điện/năm. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa phấn đấu giảm còn dưới 100 phút vào năm 2020.


NHẬT THANH